Với suy nghĩ làm sao vừa hạn chế số lần tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mà đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng vẫn đảm bảo quá trình điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Bác sĩ Lê Ngọc Lâm, Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chế tạo thành công robot vận chuyển phục vụ cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại khu cách ly Bệnh viện đa khoa Sa Đéc. Robot đã hạn chế số lần tiếp xúc với bệnh nhân và giảm áp lực với đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Chia sẻ về ý tưởng chế tạo robot để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19, Bác sĩ Lê Ngọc Lâm nhớ lại, vào những ngày cuối tháng 3/2020, Bệnh viện đã tiếp nhận 4 ca mắc Covid-19 vào điều trị. Đây đều là những công dân trên chuyến bay từ Anh trở về và đang thực hiện cách ly tập trung, sau đó lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đây là những ca bệnh đầu tiên ghi nhận mắc bệnh sau khi nhập cảnh ở ĐBSCL, cũng chính vì lý do đó mà các đồng nghiệp không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng, nhất là đội ngũ bác sĩ tiên phong để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.
Hoàn thành robot trong 2 ngày 1 đêm
Thấu hiểu sự vất vả của các đồng nghiệp nơi tuyến đầu phòng, chống dịch, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh khi hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp để điều trị, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại bệnh viện. Đặc biệt là một số đồng nghiệp thường xuyên ra vào khu cách ly bình quân mỗi ngày từ 4-5 lần, với tần suất tiếp xúc nhiều sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao và mỗi lần ra vào khu cách ly đều phải trang bị đồ bảo hộ vừa tốn kém lại phức tạp.
Chính vì lý do đó mà bác sĩ Lâm đã có ý tưởng tạo ra một robot để thay thế công việc hàng ngày mà đội ngũ y, bác sĩ đang thực hiện. Sau khi có ý tưởng và được sự đồng ý của Ban giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Lâm đã bắt tay để chế tạo robot. Sau hai ngày một đêm, robot vận chuyển phục vụ cho bệnh nhân mắc Covid-19 đã hoàn thành trong niềm vui của bản thân và sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp. Thiết kế robot khá đơn giản gồm 4 bánh xe, camera, khay đựng đồ và bộ điều khiển.
Bác sĩ Lê Ngọc Lâm chia sẻ, robot nặng khoảng 4,5kg nhưng có khả năng vận chuyển khoảng 20kg thuốc và vật dụng thiết yếu đến từng phòng bệnh, khi đến trước cửa phòng robot phát ra nhạc hiệu thông báo để nhận đồ. Quy trình để vận hành robot do một y, bác sĩ điều khiển từ xa thông qua ứng dụng tương thích trên điện thoại di động, robot sử dụng pin và khi sạc đầy hoạt động được 5-6 tiếng đồng hồ. Đặc biệt, khi thiết kế robot chịu được phun xịt khử trùng, không ảnh hưởng đến các bo mạch và điều quan trọng là robot có xoay chuyển linh hoạt có thể dùng ở những nơi có địa hình chật, hẹp và chi phí để hoàn thiện robot hơn 2 triệu đồng và số tiền này đều do Bác sĩ Lâm tự bỏ tiền ra.
"Quan trọng nhất thời điểm này tức là tính cấp bách về thời gian, tức là các đồng nghiệp của mình đang ở tuyến đầu, đang phải đối đầu với những nguy hiểm, khó khăn khi tiếp xúc bệnh nhân Covid-19. Bằng mọi giá làm sao mình làm xe robot này trong thời gian ngắn nhất, đó là một khó khăn, thách thức đối với tôi. Tôi đã cố gắng hoàn thành sản phẩm trong vòng hai ngày một đêm cho ra sản phẩm, đó là một thử thách đối với tôi. Thuận lợi đối với sáng kiến này đó là được sự ủng hộ của Ban giám đốc đã ủng hộ, động viên tôi rất nhiều để hoàn thành sản phẩm này"- Bác sĩ Lê Ngọc Lâm chia sẻ.
Hiện sáng chế robot của bác sĩ Lâm đang được ứng dụng trong điều trị tại khu cách ly y tế của bệnh viện, robot không chỉ mang thực phẩm, thuốc và vật dụng cần thiết cho người bệnh mà giúp đội ngũ y, bác sĩ giảm được áp lực khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc Covid-19.
"Con robot rất tiện lợi, hữu ích, hạn chế được thời gian tiếp xúc với bệnh nhân, giảm được khả năng lây nhiễm trực tiếp, tạo sự vui nhộn trong sự chăm sóc. Xe đi tới đâu bấm chuông bim bim bệnh nhân vui lắm. Điều đặc biệt làm cho anh em rất tâm đắc là tinh thần của anh em rất phấn khởi vì khi có con robot, sự tiếp xúc hạn chế, yên tâm trong thời gian mình điều trị, tập trung tất cả vào chuyên môn cho công tác tốt hơn"- Điều dưỡng Lê Minh Trí cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thời gian qua, khi đưa vào hoạt động, robot đã phát huy được hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho bệnh viện trong việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Sáng kiến của bác sĩ Lâm đã giúp đội ngũ y, bác sĩ thực hiện nhiệm vụ hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, giảm áp lực cho đội ngũ y tế.
"Robot phục vụ được nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn này cũng như hiện tại, hiệu quả rất cao làm thay cho con người một số công việc là cần thiết, vận chuyển thuốc, dịch truyền, thức ăn, nước uống cũng như là nhu yếu phẩm cho người bệnh. Bên cạnh đó, hạn chế được đội ngũ nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp đối với người bệnh, hạn chế được lây nhiễm chéo giữa người bệnh đối với nhân viên y tế có thể xảy ra. Bên cạnh đó, giảm áp lực đối với đội ngũ nhân viên y tế"- BS Nguyễn Công Bằng cho biết.
Sáng kiến robot vận chuyển phục vụ cho bệnh nhân mắc Covid-19 của bác sĩ Lê Ngọc Lâm đã được Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp khen thưởng đột xuất thời gian qua. Sáng kiến đã giúp đội ngũ y, bác sĩ hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt mỗi khi robot vận chuyển thuốc hay vật dụng thiết yếu đến đã tạo sự vui nhộn, xua tan không khí trầm lắng, lo âu bao trùm cả bệnh nhân lẫn đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm chống lại dịch bệnh Covid-19.
Sự tận tụy, nhiệt huyết với công việc, đồng thời chia sẻ những khó khăn vất vả với đồng nghiệp, bác sĩ Lê Ngọc Lâm cũng vinh dự là một trong những đại biểu ưu tú của tỉnh Đồng Tháp tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X được tổ chức tại Hà Nội. Đây là niềm vinh dự đối với bác sĩ trẻ có những sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc - Đồng Tháp./.