Cả bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ hệ chính quy

Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm cách thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) 170km. Đây là huyện vùng sâu, vùng xa, chiếm 99% người dân tộc thiểu số, đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm, hiện bệnh viện có 16 bác sĩ, tuy nhiên chỉ có 1 bác sĩ thuộc hệ chính quy, số còn lại chủ yếu là bác sĩ được đào tạo chuyên tu hoặc cử tuyển. Bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm cho biết, hiện nay, việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại bệnh viện đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt là kỹ thuật mổ. Bệnh viện đang thiếu một số chuyên khoa như phẫu thuật, nội, tim mạch.

ba_tuyen_vov_zpbu.jpg
Bà Vương Thị Tuyên, Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng.
“Đa số những ca phẫu thuật, bệnh viện đều phải chuyển lên bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang để giúp đỡ. Kíp bác sĩ mổ của bệnh viện vừa mới đào tạo ra trường. Tuy nhiên, bác sĩ gây mê hồi sức chưa có đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật này, bởi theo Thông tư của Bộ Y tế yêu cầu là 18 tháng. Chúng tôi mong muốn có định hướng cho bác sĩ trẻ đăng ký tình nguyện về bệnh viện huyện Bảo Lâm công tác”- bà Minh cho biết.

Bà Vương Thị Tuyên, Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết, tính đến 31/12/2018, toàn tỉnh Cao Bằng có trên 3235/3540 biên chế được giao. Hiện, tỉnh Cao Bằng còn thiếu 315 biên chế (trong đó chủ yếu là thiếu bác sĩ). Chất lượng cán bộ bác sĩ trình độ cao đẳng, đại học chiếm trên 34%, y tế cơ sở chủ yếu thực hiện công tác chuyên môn.

“Mặc dù tỉnh đã đạt 14 bác sĩ/1 vạn dân nhưng hiện nay, các bệnh viện trong tỉnh đều đang thiếu rất nhiều bác sĩ, do đặc điểm địa bàn tỉnh Cao Bằng rộng, nhiều đơn vị hành chính”- bà Tuyên cho biết.

354 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác vùng sâu, vùng xa

Dự án “Thí điểm đưa Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (gọi tắt là Dự án 585) là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Đây chính là cơ hội để người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết.

Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, Dự án 585 đã bàn giao 28 bác sỹ cho 18 huyện nghèo thuộc 10 tỉnh, thành phố.

Bác sĩ Lý Văn Thì, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cho biết, thực hiện Dự án 585, Bệnh viện có 6 bác sĩ đang theo học CKI, các chuyên ngành thuộc dự án; đồng thời tiếp nhận 1 bác sĩ trẻ đến công tác tại đơn vị.

Bác sĩ Lý Văn Thì, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng).
Theo bác sĩ Thì, sau 1 năm tiếp nhận bác sĩ trẻ theo Dự án 585, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng cao. Bệnh viện đã thực hiện được trên 300 ca mổ.

“Đây là bước đột phá, chủ trương phát triển nguồn nhân lực mang tính chiến lược của Bộ Y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, nhất là vùng rẻo cao, biên giới. Đặc biệt, bác sĩ trẻ của Dự án cùng với ê kíp của bệnh viện xử trí kịp thời những ca khó, sinh non”- bác sĩ Lý Văn Thì cho biết.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, sau một thời gian thực hiện, Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, ưu tiên cho 62 huyện nghèo (Dự án 585) được người dân và cơ sở y tế đánh giá cao về chất lượng của bác sĩ đào tạo theo Dự án.

Theo ông Tác, sau khi bàn giao, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của các bác sỹ tại huyện nghèo. Nhìn chung, các bác sỹ đã thực hiện tốt các kỹ thuật theo chương trình đào tạo, hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai do thiếu nhân lực, chuyển giao kỹ thuật; Đồng thời tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ (Bộ Y tế).
“Hiện một số bác sĩ trẻ về địa phương đều có tay nghề cao. Kết quả khám chữa bệnh ở tuyến dưới chuyển biến tốt, giảm dần tình trạng chuyển tuyến. Bên cạnh đó, Dự án cũng thay đổi một tư duy mới về đào tạo nhân  lực y tế trong tình hình mới”- ông Tác cho biết.

Được biết, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng nghị định trong đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt là đào tạo chuyên khoa gắn với thi và cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp với các đối tác, tìm kiếm các nguồn lực nhằm đào tạo cán bộ y tế có chất lượng cao, phục vụ vùng sâu, vùng xa. “Cần phải đào tạo thêm nhiều bác sĩ trẻ để giúp các huyện nghèo. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với các cơ sở y tế đưa bác sĩ trẻ về các địa phương, hướng tới chăm sóc sức khỏe cho người dân, cộng đồng theo nguyên tắc y học gia đình, để các bác sĩ trẻ tâm huyết được đào tạo tay nghề chất lượng cao, vùng sâu vùng xa”- ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế cho biết./.

Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (HPET) đã song hành cùng Dự án “Thí điểm Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” (Dự án 585), với ưu tiên dành cho 62 huyện nghèo trên cả nước. Đến thời điểm này, đã có 354 bác sĩ trẻ được tuyển chọn và đào tạo. Trong đó, đã có 28 bác sĩ trẻ tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa I về công tác tại địa phương, hơn 300 bác sĩ trẻ đang được đào tạo tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Hải Phòng và Đại học Y Dược Huế. Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (HPET) do Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu tài trợ và được Bộ Y tế triển khai thực hiện trong giai đoạn 2014-2020, đã hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyên khoa I cho các bác sĩ trẻ tình nguyện, với 170 triệu đồng/một bác sĩ./.