Tỉnh Bắc Ninh nhận định, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang hết sức căng thẳng, diễn biến theo chiều hướng xấu, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bắc Ninh, tính đến trưa ngày 18/5, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 300 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 45 ca mắc mới (tất cả đều là những trường hợp đã được cách ly), trong đó huyện Thuận Thành 249 ca, huyện Tiên Du 5 ca, Thành phố Bắc Ninh 12 ca, Lương Tài 6 ca, thị xã Từ Sơn 2 ca, huyện Yên Phong 20 ca, huyện Quế Võ 2 ca và 1 ca là người Bắc Giang.
Hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đang điều trị cho 25 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tiên lượng nặng, trong đó có 3 bệnh nhân đang thở máy, 1 bệnh nhân lọc máu.
20 dịch vụ thiết yếu được hoạt động
Nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký văn bản khẩn gửi các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các địa bàn thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đình chỉ tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ Siêu thị tổng hợp, siêu thị mini (không bao gồm dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ);
Trung tâm thương mại (chỉ gồm siêu thị tổng hợp, siêu thị mini); Chợ dân sinh (gồm các gian hàng hóa thiết yếu: lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả, đồ khô, quầy thuốc chữa bệnh); Các cửa hàng tiện lợi (không bao gồm dịch vụ ăn uống tại chỗ), cửa hàng cung cấp thức ăn không tập trung tại chỗ;
Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa quả trái cây; Cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm; Các cửa hàng kinh doanh vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; Các cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh;
Ngoài ra, có 10 dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động, bao gồm: Dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình; Dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử, chứng khoán; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp;
Dịch vụ bảo vệ; Cửa hàng kinh doanh nhiên liệu (xăng dầu, gas, khí đốt, than…); Dịch vụ tang lễ, mai táng, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội;
Các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư hóa chất phòng chống dịch động vật; Cơ sở lưu trú du lịch (không bao gồm dịch vụ lưu trú theo giờ và khách du lịch);
Dịch vụ cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường; Dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hóa là nguyên liệu phục vụ các cơ sở sản xuất;
Dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa; Dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Trong đó có các biện pháp: tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế; Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp;
Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động, đảm bảo khoảng cách an toàn theo đúng quy định; Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh;
Sẵn sàng phương án cách ly tập trung cho công nhân tại doanh nghiệp trong trường hợp xuất hiện dịch trong doanh nghiệp. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động.
Thực hiện giãn cách, phát phiếu 03 ngày đi chợ 1 lần
Tỉnh Bắc Ninh cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ cho người dân trên địa bàn, cụ thể:
Mỗi hộ gia đình cứ 03 ngày thì đi chợ 01 lần để mua hàng hóa thiết yếu; mỗi hộ gia đình sẽ được phát 05 thẻ vào chợ trong vòng 15 ngày. Thẻ vào chợ có giá trị sử dụng 01 lần/lượt bất kỳ.
“Chỉ đạo Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng, UBND các phường, xã, thị trấn in “Thẻ vào chợ”, gửi đến Tổ dân phố/Trưởng thôn để phát cho các hộ gia đình; học sinh, sinh viên, người lao động thuê nhà trên địa bàn (có mẫu thẻ vào chợ kèm theo)”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải chỉ đạo.
Chỉ đạo các doanh nghiệp, Ban Quản lý/Tổ quan lý các chợ trên địa bàn bố trí lực lượng kiểm soát, thu lại Thẻ khi người dân vào chợ và lưu giữ thẻ theo ngày để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết.
Chỉ đạo UBND các phường, xã và các Tổ dân phố, Tổ Công tác COVID-19 tại cộng đồng địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân tổ chức cơ cấu bữa ăn hợp lý, nắm rõ và nghiêm túc thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ để hợp tác, cùng chung tay với chính quyền thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn quan trọng hiện nay.
Chỉ đạo đơn vị chức năng bố trí lực lượng tăng cường kiểm soát tại các cổng chợ, trang bị nước rửa tay sát khuẩn; yêu cầu người mua hàng giữ khoảng cách, đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ.
“Đối với các trường hợp tiểu thương, người dân không chấp hành việc đeo khẩu trang, không rửa tay bằng nước sát khuẩn thì kiên quyết không cho vào chợ và xử lý theo quy định; Kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc buôn bán không đúng nơi quy định xung quanh khu vực chợ để phòng, chống dịch COVID-19:, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải chỉ đạo./.