Tại Đắk Lắk hôm nay (20/4) có thêm 3 trạm ATM gạo chính thức vận hành tại thị xã Buôn Hồ, huyện Mdrăk và Krông Bông. Như vậy đến nay Đắk Lắk có 8 trạm đang triển khai ATM gạo, cùng với các trạm trước đó tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắk, Ea Sup, Ea Hleo và Krông Buk.

Cũng từ 20/4, ban tổ chức đã quyết định dừng hoạt động ATM gạo nghĩa tình số 1 tại thành phố Buôn Ma Thuột và ATM gạo nghĩa tình số 2 đặt tại trung tâm văn hóa huyện Krông Pắk. Thay vào đó, trạm tại Buôn Ma Thuột chỉ dành để tiếp nhận gạo, nhu yếu phẩm từ các mạnh thường quân và phân bổ đến các nơi trong hệ thống chuỗi. Các trạm khác sẽ tổ chức lưu động đến một số xã khó khăn, các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh để nhiều gia đình có thể tận tay nhận được những phần gạo nghĩa tình.

atm gao 4.jpg
Các trạm triển khai ATM gạo lưu động đến tận các xã vùng sâu.

Còn tại Đắk Nông, sau trạm đầu tiên mở tại huyện Cư Jut, ban tổ chức cũng đã mở 2 trạm khác tại huyện Đăk Mil và Krông Nô.

Anh Phạm Trọng Phát, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, Quản lý và điều phối chương trình ATM gạo nghĩa tình cho biết, tính đến ngày 20/4, BTC đã tiếp nhận hơn 90 tấn gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết như: mì tôm, nước mắm, xì dầu, trứng, rau sạch... từ các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm. Hoạt động này đã góp phần thiết thực chung tay hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh.

"Trong những ngày vừa qua, tại thành phố Buôn Ma Thuột, hoạt động của ATM gạo nghĩa tình rất hiệu quả. Và qua các nguồn thông tin cũng như nhu cầu, nguyện vọng của bà con nhân dân thì chúng tôi đã triển khai 9 điểm tại các huyện, thị xã của địa bàn tỉnh. Với nguồn gạo vận động được và rất nhiều nhu yếu phẩm kèm theo thì các địa điểm ATM gạo của các huyện, thị xã cũng đã triển khai, tiếp tục lan toả tình nhân ái của ATM gạo nghĩa tình" - anh Phạm Trọng Phát cho biết./.