Ngay từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã nỗ lực cắt giảm gánh nặng thủ tục hành chính và coi đó là một trong những giải pháp để thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại và tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động đó thường ở dưới hình thức đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, chủ yếu tập trung vào cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Đại dịch bùng phát đã chứng minh thực tế rằng những quy định nặng nề có thể cản trở nỗ lực ứng phó của Chính phủ, vì vậy yêu cầu đặt ra là phải gỡ bỏ quy định gây cản trở, nhằm đấy nhanh tốc độ cung cấp các sản phẩm và giải pháp thiết yếu.

Theo đó, chiều 11/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổng lãnh sự quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Chủ trì Hội nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, mặc dù dịch bệnh Covid -9 có những diễn biến phức tạp trên cả thế giới và Việt Nam, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sự đoàn kết đồng lòng của người dân trong cả nước, Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh và khôi phục duy trì tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đã chú trọng các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng dương, lạm phát dưới 4%.

Tại Việt Nam, cải cách và cắt giảm gánh nặng quy định và thủ tục hành chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, trong đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam càng khẳng định tầm quan trọng của cải cách này. Cụ thể như Việt Nam vừa chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân, điều chỉnh các quy định kinh doanh; đưa các thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chính phủ giảm thuế, phí cho doanh nghiệp: 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm nay; giảm, giãn thời gian nộp thuế, giảm giá điện sản xuất và tiêu dùng; giảm 2% lãi suất cho vay từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…

“Nhận thức sâu sắc rằng thế giới hiện nay đang phải đối phó với những vấn đề về toàn cầu mà một nước nào, dù là một cường quốc giàu mạnh có thể tự giải quyết được, với việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chúng tôi cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung như việc phối hợp khắc phục dịch bệnh Covid-19”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len tại Việt Nam Gareth Ward đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã ứng phó rất tốt với bối cảnh mới, khi mọi mặt đời sống và kinh tế xã hội toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Chính phủ Việt Nam đã có những cách thức mới, giải pháp mới để tổ chức công việc của mình trong bối cảnh đại dịch. Ông Gareth Ward nhấn mạnh sự cảm kích khi công dân của Anh mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi tại Việt Nam.

“Trong khuôn khổ hợp tác giữa OECD và ASEAN về tăng cường các quy định tốt, chúng ta đã có cuộc hội thảo trực tuyến hôm nay, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách của mỗi nước và đại diện của OECD. Đây là sự thể hiện rõ cam kết và quyết tâm của các nước để hướng đến mục tiêu chung là cải cách thủ tục hành chính và các quy định về cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, tại thời điểm này, vấn đề cải cách thủ tục hành chính là thực tế cần thiết và cần nhiều nỗ lực để thực hiện”, Đại sứ Anh nói.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đến từ các quốc gia thành viên đã cùng nhau chia sẻ về những điều chỉnh quy định để ứng phó với đại dịch Covid-19; Quản lý và thực thi quy định bằng công nghệ số để ứng phó với đại dịch; Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19 mà vẫn đảm bảo chống dịch và bảo vệ xã hội…

Hiện, ASEAN được đánh giá là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng ổn định và cao trên thế giới, đồng thời có vị thế cao kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, Việt Nam sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới trong năm 2020, bất chấp những thách thức đặt ra do dịch Covid-19./.