Vi phạm nguyên tắc, đe dọa an ninh hàng hải

Nguyên tắc cơ bản quy định tại điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc khẳng định rằng các quốc gia có nghĩa vụ phải sử dụng các biện pháp hòa bình, không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Trung Quốc là thành viên Hội đồng Bảo an nhưng tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng công suất lớn phun vào tàu Cảnh sát biển của Việt Nam, sử dụng các tàu hộ vệ tên lửa, máy bay tuần tiễu, đặc biệt nguy hiểm hơn là các vũ khí đang được để ở chế độ sẵn sàng có thể sử dụng bất kỳ lúc nào. Đây hiển nhiên là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực đối với lực lượng chấp pháp có thẩm quyền trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính vì vậy Trung Quốc đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.

tau-trung-quoc-va-tau-viet-.jpg
Nhiều tàu Trung Quốc  ngăn cản một tàu Cảnh sát biển Việt Nam (Ảnh:vnexpress)

Theo TS Nguyễn Thị Lan Anh (Học viện Ngoại giao), những hành động hung hăng của tàu Trung Quốc đã vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực. Điều này không khó để chứng minh.

“Hành động trên của Trung Quốc có thể xảy ra với tàu thuyền Việt Nam thì cũng có thể xảy ra với bất kỳ tàu thuyền nào của các nước khác đi ngang qua vùng biển vốn rất nhộn nhịp này. Đây là hành vi vi phạm tự do hàng hải được Công ước Luật biển ghi nhận tại điều 58 và 78. Bằng hành vi triển khai nhiều loại tàu, trong đó có tàu quân sự, máy bay tiêm kích, Trung Quốc đã xâm phạm quyền tự do hàng hải và hàng không không chỉ của Việt Nam mà còn của tất cả các quốc gia khác trên thế giới, đe dọa an ninh hàng hải thế giới”, TS Lan Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra Trung Quốc còn vi phạm công ước quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (Colreg). Công ước này cũng quy định các nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi Việt Nam tôn trọng những quy định để đảm bảo an toàn hàng hải quốc tế thì những hành vi mà Trung Quốc đang tiến hành trên thực địa cho thấy không đảm bảo điều đó.

Sử dụng vũ lực là hành xử không văn minh

Trung Quốc bằng hành động của mình đã vi phạm nghiêm trọng các cam kết về Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), đi ngược lại thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong nội dung của DOC trước hết thể hiện cam kết không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, thể hiện kiềm chế, không leo thang tranh chấp, không chiếm đóng mới, giải quyết bất đồng theo tinh thần xây dựng. Nhưng Trung Quốc đang làm ngược lại.

Theo T.S Nguyễn Thị Lan Anh, Trung Quốc đã leo thang nhằm biến thành tranh chấp mới, trong khi Việt Nam hết sức kiềm chế giữ nguyên trạng tình hình Biển Đông vì hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Bằng việc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã làm phức tạp thêm tình hình và thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho mình.

Tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam

Trong tuyên bố mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã ký thể hiện nội dung quan hệ đặc biệt láng giềng hữu nghị. Ngoài ra, một cách hành xử văn minh trong quan hệ quốc tế giữa hai nước láng giềng không thể sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Những gì đang diễn ra ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đi ngược lại tinh thần đó.

“Trung Quốc thể hiện rằng họ sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật biển và tuân thủ DOC. Tất cả những lời nói này đã nhanh chóng bị xóa nhòa chỉ bằng một hành vi đơn phương, khiêu khích trên biển và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”, T.S Nguyễn Thị Lan Anh bày tỏ./.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, diễn ra tại Myanmar: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”./.