Chiều nay (4/6), thảo luận tổ về d­ự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, ở đây có câu chuyện “dân kiện quan”, “tòa huyện xử quan huyện” nên rất khó khăn trong việc xử án, dẫn đến tình trạng án tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc cho dân, còn “quan” thì coi như chẳng liên quan gì.

Ai ký, người đó phải ra tòa

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM), chất lượng xét xử các vụ án hành chính thấp hơn rất nhiều so với các loại án khác, tỷ lệ bị cải sửa từ 4 – 5%. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sự lệ thuộc và e ngại của thẩm phán đối với việc xét xử các quyết định hành chính của chủ tịch UBND huyện.

dan_kien_vbbn.jpg
Ông Đỗ Văn Đương phát biểu tại phiên thảo luận tổ (Ảnh: Lại Thìn)

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, án liên quan tới các quyết định hành chính của chủ tịch UBND huyện cần chuyển lên cho tòa án tỉnh xét xử sơ thẩm. Khi tòa tỉnh xử rồi, nếu phúc thẩm thì lên tòa án cấp cao hơn, như thế sẽ đảm bảo tính độc lập, khách quan. Còn nếu để ở cấp tòa án huyện thì chỉ cần cái “vỗ vai” là nể nang ngay.

Theo ông Đương: Án hành chính là kiểu “dân kiện quan”. Mà khi dân kiện thì có thấy “quan” nào ra tòa đâu. Tức là người trực tiếp ký quyết định hành chính “trốn”, toàn ủy quyền cho cấp dưới, mà những người này chưa hẳn có liên quan hoặc có chuyên môn, nên chủ yếu là đến tòa để nghe và về báo cáo lại.

Chính vì vậy, tranh luận tại phiên tòa không đạt được hiệu quả, bởi việc tranh tụng tại phiên tòa không chỉ là đưa ra chứng cứ, mà còn nhiều vấn đề khác. Chính vì vậy, ông Đỗ Văn Đương đề nghị: “Người nào ký quyết định thì người đó phải ra tòa. Có như vậy mới đảm bảo bình đẳng trong quá trình xét xử, công bằng cho người dân. Khi quan ký sai, quan phải ra tòa mới lấy được cái sai của mình, mới rút được kinh nghiệm, cẩn trọng hơn khi ra các quyết định, nhất là ở lĩnh vực đất đai. Còn nếu ủy quyền, thì cần ủy quyền cho cấp phó phụ trách hoặc người trực tiếp tham mưu cho người ký, chứ không nên ủy quyền cho người không liên quan”.

Tương tự ý kiến của ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: Khi tòa triệu tập người đứng đầu huyện như chủ tịch, bí thư thì họ lại cử chuyên viên đến, chỉ để nghe báo cáo nên chẳng giải quyết được việc gì. Trường hợp tòa án gọi thì “quan” viện lý do bận họp hành chỗ nọ chỗ kia. Đại diện ủy ban ra tòa thì theo kiểu bị “bắt cóc” nên không nắm được vấn đề, nếu nói lại sợ sai.

“Ở đây còn có sự cả nể, sợ sệt lẫn nhau. Cho nên cần phải nói rõ, thẳng thắn trách nhiệm của người đứng đầu. Về mặt chính quyền, Đảng, có thể anh hơn nhưng về mặt hành chính, pháp luật, anh phải tuân thủ. Thậm chí ra tòa thì tòa lại nể cơ quan hành chính vì cơ quan hành chính phải có quyết định tòa mới xử, nên nếu có xử thì xử… cái công văn đó à?” – ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

Đại biểu Cương nhấn mạnh, nhiều vụ án hành chính tồn đọng, kéo dài, xử không được là bao cũng vì những lý do này, nhất là những vụ liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên chẳng “quan” nào bị xử lý cả.

Ông Cương đề nghị đối với những vụ án hành chính như thế này, cấp trưởng phải trực tiếp ra tòa. Nếu có lý do chính đáng thì phải ủy quyền cấp phó có chuyên môn, nếu không thì muôn thuở vẫn không giải quyết dứt điểm được các vụ án hành chính.

Gian nan “dân kiện quan”

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) không ủng hộ quan điểm của ban soạn thảo dự án luật là để cho tòa án huyện xử quyết định của chủ tịch huyện. “Tôi nói thật sự là không xử được gì hết. Thực tế là vậy. Tất cả cử tri mà khiếu nại về đất đai, hành chính mà tôi khuyên họ đưa ra tòa, họ nói với tôi là đừng bày họ làm cái chuyện đó, mất thời giờ. Làm sao ông thẩm phán dám xử ông chủ tịch huyện, thậm chí ông chánh án cũng không dám xử. Ông phó bí thư, ông chủ tịch huyện phán một câu là mấy ông kia chạy té khói, sao mà dám xử nữa. Chúng ta phải thực tế, không lý thuyết chỗ này” – ông Lịch gay gắt.

Ông Trần Du Lịch đề nghị tất cả các quyết định của UBND quận, huyện là tòa án tỉnh phải xử. Về lý thuyết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói đúng, nhưng thực tế Việt Nam hiện nay, với hệ thống chính trị ở nước ta là không khả thi, không tạo được niềm tin của dân.

“Tôi nói thật, nếu xử, tỷ lệ thắng kiện của người dân đã ít rồi, mà thắng kiện thì đến thi hành án càng cực kỳ khó khăn. Tôi đang cầm một loạt hồ sơ không chịu thi hành. UBND không chịu thi hành, cơ quan thi hành không dám thi hành” – ông Trần Du Lịch chia sẻ./.