Xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La có hơn 20 km đường biên giáp với nước bạn Lào. Nơi đây 65 năm trước là căn cứ hoạt động bí mật của Ban xung phong Lào Bắc giai đoạn khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp 1948-1950.
Tới bản Lao Khô hôm nay, điện, đường, trường trạm được nâng cấp |
Ở nơi này những năm tháng xưa, đồng chí Kaysone Phomvihane, người con ưu tú của đất nước Lào, cố Chủ tịch Đảng nhân dân cách mạng Lào đã được cố lão thành cách mạng Tráng Lao Khô và bà con dân bản nuôi giấu, đùm bọc. Và cũng ở nơi này bây giờ, già bản uy tín Tráng Lao Lử - người con trai của ông Tráng Lao Khô đang cùng nhân dân 2 bên biên giới Việt-Lào xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Mặc dù năm nay đã 80 tuổi, nhưng cụ Tráng Lao Lử vẫn nhớ như in những ngày bé, cùng gia đình và bà con dân bản nuôi giấu cán bộ Việt Minh và cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane năm tháng xưa.
Khi ấy cụ chưa đầy 10 tuổi, bà con dân bản còn nhiều khó khăn lắm, nhưng đồng bào bản Phiêng Sa, tức bản Lao Khô bây giờ đã hết lòng giúp đỡ cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như tiền của giúp Ban xung phong Lào Bắc mua sắm vũ khí phục vụ chiến đấu.
Cụ Tráng Lao Lử năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn hăng say với việc của làng, bản |
Đặc biệt, cụ Lao Khô đã trực tiếp dẫn đường đưa Ban xung phong Lào Bắc vào rừng hoạt động, hàng ngày mang lương thực, thực phẩm vào hang Thẩm Mế nuôi giấu cán bộ.
Cụ Tráng Lao Lử nhớ lại: “Tôi còn nhớ ngày xưa, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân rất tình cảm. Cán bộ ở rừng không có gì ăn, gia đình tranh thủ xay ngô, người thì nấu cơm, người thì luộc rau. Khi cơm canh chín thì cho vào lá chuối là mang vào rừng cho ông Kaysone Phomvihane và cán bộ Việt Minh ăn ở trong đấy”.
Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào |
Cách mạng thành công, tình hữu nghị Việt – Lào vẫn được nhân dân 2 bên biên giới vun đắp. Không phân biệt người Lào, người Việt, họ chia sẻ với nhau kinh nghiệm sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bên cạnh nhau những lúc buồn, lúc vui.
Bản Lao Khô có hơn 110 hộ, trên 600 nhân khẩu thì trong đó nhiều cặp vợ chồng là người dân 2 nước kết hôn với nhau, cùng vun đắp, cùng phát triển. Tới nay, tỷ lệ hộ nghèo trong bản đã giảm nhiều, có điện thắp sáng, có đường bê tông trải dài trục bản, xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi, 100% con em trong độ tuổi đến trường học chữ, trong đó có các em đã theo học đại học các ngành nghề và trở về phục vụ quê hương mình.
Chị Tráng Thị Dủa, dân tộc Lào đã tới bản Lao Khô sinh sống và lập gia đình từ hơn 20 năm nay, nhờ sự động viên của gia đình, cũng như sự đoàn kết bền chặt của nhân dân vùng biên, chị Dủa sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế từ chăn nuôi và trồng hơn 1 héc ta cây mận hậu, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.
Chị Tráng Thị Dủa rất hạnh phúc với cuộc sống bên gia đình và người dân bản Lao Khô |
Chị Tráng Thị Dủa nói: “Khi được sát nhập vào bản Lao Khô thì dân bản Lao Khô rất là yêu thương và cùng nhau sinh sống phát triển. Còn người Lào và Lao Khô cũng như người một nhà, cùng thương yêu nhau để cuộc sống ngày càng phát triển tốt đẹp”.
Để ghi dấu thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ cách mạng Lào Kaysone Phomvihane và đội xung phong Lào Bắc tại Sơn La, cũng như thắt chặt thêm tình đoàn kết Việt – Lào, vào đầu tháng 7 tới đây tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài sẽ khánh thành khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào. Tại đây, nhiều hiện vật còn được lưu giữ như chiếc chăn ấm, nồi nấu cơm, ấm đun nước, bát, thìa gỗ...mà nhân dân các bản đã dùng để nuôi giấu nhà cách mạng Kaysone Phomvihane và cán bộ Việt Minh.
Thăm khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào, ông Phan-ta Thon-vông-xạ, Bí thư, Chủ tịch huyện Xiengkhor, tỉnh Huaphanh, nước bạn Lào cho biết: “Tôi rất cảm động vì đây là nơi liên hệ với khu di tích lịch sử bên Lào. Tôi cũng rất cảm động vì nhân dân Yên Châu, Sơn La đã giúp đỡ cách mạng Lào”.
Nơi căn cứ cách mạng Lao Khô ngày nào giờ đây đã có nhiều đổi mới, hạ tầng cơ sở cùng đời sống nhân dân 2 bên biên giới Việt – Lào ngày càng phát triển, nghĩa tình Việt – Lào ngày càng thêm gắn bó keo sơn. Bà con người Lào, người Việt cùng chung sức xây dựng cuộc sống no ấm, biên giới hữu nghị./.
Công trình Nhà Quốc hội Lào mới-biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Lào
Chủ tịch Quốc hội Lào sẽ sang thăm Việt Nam