“Động cơ dẫn tới tình trạng tái nghiện chính là sự căng thẳng tâm lý và nhu cầu giải tỏa tâm lý đó. Đây cũng chính là biểu hiện của sự lệ thuộc tâm lý ở người nghiện ma túy”. Ông Lê Trung Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) chia sẻ thông tin trên tại hội thảo “Một số nghiên cứu mới phòng ngừa và chống tái nghiện ma túy” do PSD và Tạp chí Trí thức và Phát triển tổ chức chiều 26/11, tại Hà Nội.

cai_nghien_1_quue.jpg 
Hội thảo do PSD và Tạp chí Trí thức và Phát triển tổ chức chiều 26/11, tại Hà Nội

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, tính đến hết tháng 9/2014, nước ta có hơn 204.000 người nghiện, trung bình mỗi năm có thêm 7.000 người nghiện. Cùng với đó là thực trạng trẻ hóa đối tượng nghiện ma túy khi có tới 74% số người nghiện ở độ tuổi lao động (từ 18-35 tuổi), và 1% số người nghiện ma túy dưới 18 tuổi; tỷ lệ người sử dụng các chất dạng Amphetamine (ATS) thường gọi là ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi hơn 9 triệu đồng cho một người cai nghiện bắt buộc. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm cầu ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện. Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB&XH, công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện hiện chưa thực sự hiệu quả. Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện vẫn lên đến 90%.

Là người có 6 năm nghiện ma túy, đã cai thành công 14 năm nay, ông Lê Trung Tuấn - Giám đốc PSD cho rằng, động cơ dẫn tới tình trạng tái nghiện chính là sự căng thẳng tâm lý và nhu cầu giải tỏa tâm lý đó. Quá trình căng thẳng tâm lý xuất hiện qua ba trạng thái. Thứ nhất, tiếp xúc, hồi tưởng lại những đối tượng liên quan đến việc sử dụng ma túy, bơm kim tiêm, bạn nghiện. Thứ hai, căng thẳng tâm lý của người nghiện xuất hiện qua các cảm xúc tiêu cực, thất vọng, buồn chán, mặc cảm, nóng giận. Thứ ba, căng thẳng tâm lý dễ rơi vào những tình huống “nguy cơ” dẫn đến hành vi sử dụng ma túy.

 
Ông Lê Trung Tuấn- Giám đốc PSD

Nghiên cứu của PSD cũng cho thấy cầu nối giữa yếu tố căng thẳng tâm lý và hành vi sử dụng lại ma túy chính là quá trình ghi nhớ tự động của cảm giác hưng phấn, các khoái cảm do ma túy mang lại cho người sử dụng. Hay nói cách khác, mỗi khi có căng thẳng tâm lý người nghiện lại tự động nhớ tới cảm giác dễ chịu từ những lần sử dụng ma túy trước đây. Sự nhớ lại này dẫn tới sự căng thẳng về thể chất. Do đó, họ thực hiện hành vi tiếp tục sử dụng ma túy thậm chí sử dụng liều lượng cao hơn để loại bỏ các căng thẳng.

Từ nghiên cứu trên, tại hội thảo, lần đầu tiên PSD công bố công trình nghiên cứu khoa học “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm” có thể giải quyết được vấn đề phòng ngừa và chống tái nghiện ma túy hiện nay tại Việt Nam. Phương pháp này nhằm mục đích ngăn chặn sự hình thành tất cả những động cơ tiềm ẩn, thúc đẩy hành vi sử dụng ma túy, trong đó căng thẳng tâm lý là động cơ chủ yếu. Đặc biệt PSD đã thiết lập được một trạng thái thoải mái và dễ chịu ở người nghiện ma tuý dưới sự hướng dẫn, đào tạo bằng ngôn ngữ; từ trạng thái “thoải mái”, “dễ chịu” đi kèm với cơ chế được củng cố liên tục đã hình thành nên những mối liên kết mới giữa các nơron của não bộ, là cơ sở hình thành nên hành vi lành mạnh mới- hành vi không ma tuý.

Bên cạnh đó, PSD đã thực hiện truyền thông về tác hại của ma tuý và các kỹ năng chống tái nghiện tại 21 Trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội ở 10 tỉnh, thành phía Bắc. Đồng thời tiến hành khảo sát mức độ nhận thức về ma tuý và hành vi sử dụng ma tuý hơn 20.000 học viên ở các Trung tâm này. Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 60% số học viên có thể cai nghiện thành công, duy trì hành vi không sử dụng ma tuý bền vững bằng phương pháp “xoá bỏ sự lệ thuộc vào ma tuý bằng ngôn ngữ tình cảm”.

Sau 2 năm thí điểm, hiện nay PSD đã giúp đỡ được 60 người bằng phương pháp mới, 45 người trong số đó đã hoàn toàn không bị lệ thuộc vào ma tuý.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm ghi nhận trách nhiệm xã hội và đánh giá cao nghiên cứu của PSD và đề nghị PSD tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu phương pháp “Xoá bỏ sự lệ thuộc vào ma tuý bằng ngôn ngữ tình cảm”, đăng ký phương pháp với các cơ quan khoa học để được công nhận và căn cứ áp dụng.

“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ủng hộ và sẽ tạo điều kiện để PSD tiếp tục nghiên cứu phương pháp này”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết./.