Quần thể Di tích Cố đô Huế có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam với hơn 1.400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích trải rộng trên địa bàn thành phố Huế cùng 4 huyện và thị xã lân cận.

Sau chiến tranh, quần thể di tích Cố đô Huế còn khoảng 300 công trình, hầu hết đều bị hư hỏng, xuống cấp; trong đó, khu vực Tử Cẩm Thành gần như bị xóa sổ, Hoàng thành Huế chỉ còn 62/136 công trình kiến trúc.

Từ năm 1993, khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đến nay gần 200 công trình di tích lớn nhỏ ở khu vực Hoàng Cung và các lăng vua triều Nguyễn được đầu tư trùng tu, bảo tồn… với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng.

vov_hue_1_ogdc.jpg
Nhà dân sống trên kinh thành Huế.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Theo Đề án “Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020” được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt, 11 khu vực và cụm di tích được quy hoạch để tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng 6.000 hộ dân sống trong khu vực di tích, hoặc các khu vực cần được bảo vệ đã ảnh hưởng đến công tác gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

 Người dân sống và sản xuất trên thượng thành của di tích Hoàng thành Huế ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn, gìn giữ di tích này.

"Do các lý do của lịch sử nên số lượng dân cư sống trong vùng di tích Huế hiện nay rất lớn. Riêng trong khu vực 1 của tất cả các điểm di tích có 6.000 hộ dân, tương đương 20.000 dân. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ xây dựng một cơ chế đặc biệt thì mới có thể sắp xếp, giải tỏa dân cư, tạo điều kiện giữ gìn các di sản một cách bền vững"- ông Phan Thanh Hải cho biết./.