Sáng 25/3, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khoá XI về “Tăng cưòng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Ủy viên Bộ chính trị - Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khoá XI, thời gian qua, công tác chỉ đạo điều hành của các tỉnh, thành phố có nhiều đổi mới, quyết liệt, chủ động, gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; cụ thể hoá kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, từ đó thực hiện nhiều giải pháp để triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 6.528 vụ tai nạn làm  gần 2.600 người chết. Có 10 tỉnh thành phố có số người chết vì tai nạn tăng trên 30% là: Khánh Hoà, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Đắc Lắc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lạng Sơn, Bình Thuận, Ninh Thuận và  Nghệ An.

Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương đã đề ra mục tiêu phấn đấu trong từng năm nhằm kiềm chế, giảm từ 5-10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ; huy động mọi nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế đảm bảo các điều kiện phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng; giáo dục an toàn giao thông được thực hiện tại 100% các bậc học; xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Kết luận hội nghị, ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Trong những năm qua, mặc dù chất lượng phương tiện, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư, nâng cấp, song tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều tồn tại. Tai nạn giao thông vẫn cao, số vụ nghiêm trọng tăng, một số quy định chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành kỷ luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn yếu kém. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; thực hiện chưa tốt các nhiệm vụ và giải pháp về kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Do vậy, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông phải là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, coi đây là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay.

Ông Lê Hồng Anh chỉ rõ, trong thời gian tới cần tăng cường quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như ra soát văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư phát triển, bảo đảm chất lượng các loại phương tiện, nâng cao chất lượng vận tải, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, tập trung thực hiện các giải pháp phòng ngừa, nâng cao chất lượng đào tạo cấp giấy phép lái xe…/.