Chiều 22/6, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19 đã tổ chức tập huấn cho 20 tỉnh, thành phía Nam (từ Ninh Thuận trở vào) các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất, đảm bảo vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất.

Trước đó, ngày 20 và 21/6, đoàn đã tập huấn cho 100 tổ kiểm tra đánh giá nguy cơ trong doanh nghiệp tại TP.HCM và 60 tổ kiểm tra đánh giá nguy cơ trong doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế lưu ý, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam, trong đó có TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Một số tỉnh Tây Nam bộ và một số tỉnh miền Trung cũng bắt đầu xuất hiện những ca bệnh. Đặc biệt, dịch không chỉ bùng phát trong cộng đồng mà đã có ca bệnh len lỏi vào các cơ sở sản xuất và các KCN.

Dựa trên kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, thành phía Nam thực hiện tốt các biện pháp chống dịch bệnh xâm nhập vào KCN, cơ sở sản xuất để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

“Các tỉnh, thành cần dựa trên kinh nghiệm và sử dụng chiến thuật phối hợp về xét nghiệm nhanh, mẫu gộp PCR và mẫu đơn PCR, cần chủ động mua sắm test nhanh. Khi có các điểm dịch tại các cơ sở sản xuất, các test nhanh này sẽ giúp nhanh chóng nhận diện được trường hợp nguy cơ, kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Bên cạnh đó, các KCN mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra giám sát. Khi phát hiện ca nhiễm trong phân xưởng thì công tác truy vết sẽ đơn giản, nhanh chóng. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất nên thành lập tổ COVID-19 cộng đồng từ 2-4 người, có trách nhiệm thường xuyên giám sát các biện pháp phòng chống dịch ngay tại phân xưởng, kiểm tra độ an toàn được khuyến cáo, để tiến hành các công tác cần thiết phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị.

Theo Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an toàn sản xuất. Các doanh nghiệp cần thực hiện chuỗi an toàn từ nơi lưu trú - vận chuyển công nhân - môi trường sản xuất an toàn. Có thể bố trí 20-30% người lao động trong khu lưu trú tập trung đã được quán triệt các biện pháp chống dịch. 

Với lực lượng lao động được bảo vệ nghiêm ngặt này các địa phương sẽ tiếp tục duy trì sản xuất trong tìnnh hình mới, an toàn và đảm bảo sản xuất./.