Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội năm 2014 và triển khai kế hoạch giám sát năm 2015 diễn ra chiều 8/4, tại Hà Nội.
Theo báo cáo, thực hiện chương trình giám sát, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra tại 1.261 doanh nghiệp thì tất cả đều có hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát liên ngành cấp Trung ương tiến hành giám sát 12 doanh nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh: Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu và Tiền Giang.
7/12 doanh nghiệp chưa thực hiện ký hợp đồng lao động và đăng ký tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tự nguyện đầy đủ, kịp thời cho người lao động.
Nhiều doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động lớn tuổi đang làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp.
Đoàn giám sát cũng phát hiện 4/12 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội kéo dài, hàng tháng đều trích tiền đóng Bảo hiểm xã hội từ tiền lương, tiền công của người lao động nhưng không đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hưởng Bảo hiểm xã hội của người lao động.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Các doanh nghiệp có khả năng đóng bảo hiểm xã hội nhưng họ lại chiếm dụng tiền làm việc khác. Đến khi chúng ta có động tác “rung cây” họ mới nộp. Nếu bị phạt thì số tiền đó cũng không bằng lãi suất ngân hàng mà họ vay để kinh doanh
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Việc tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội cần thiết.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm xây dựng thang lương, bảng lương theo Nghị định 49 của Chính phủ để làm căn cứ để doanh nghiệp đóng Bảo hiểm xã hội.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng danh mục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những việc Chính phủ và chính quyền địa phương cần làm để khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội./.