Tiếp tục diễn biến phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Agribank, trong phần làm thủ tục, những người tham gia tố tụng cho biết bị cáo Đỗ Tiến Long (SN 1975, cựu cán bộ Phòng tín dụng, Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội) đang phải điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện K, Hà Nội. Bị cáo Long kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Long bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 16 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

medium_avng6538402_lhgt.jpg
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương tại tòa phúc thẩm.

Thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo Long là cán bộ tín dụng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội.

Cựu cán bộ tín dụng đã có hành vi ký vào báo cáo thẩm định và báo cáo thẩm định sau khi phê duyệt Luxfashion của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam không có căn cứ.

Bị cáo đã ký vào báo cáo thẩm định ngày 11/2/2011 đề xuất cho vay đối với dự án Luxfashion của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam 50 triệu USD để trả chi phí chuyển nhượng 6 thương hiệu không đúng.

Đỗ Tiến Long cũng đã ký tờ trình giải ngân dự án Luxfashion cho khoản vay 50 triệu USD của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam ngày 12/4/2011 gửi Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội. Đồng thời cựu cán bộ ngân hàng cũng ký vào giấy nhận nợ ngày 13/4/2011 của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam với Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội về khoản vay 15 triệu USD để mua thương hiệu….

Tại phiên tòa cấp sơ thẩm, bị cáo Long thừa nhận được giao nhiệm vụ tham gia thực hiện các phần việc trong quá trình thẩm định dự án và cho vay thực hiện dự án Luxfashion của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.

Bị cáo biết việc làm của mình là sai, nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của cựu Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương – bị cáo đầu vụ trong đại án kinh tế xảy ra tại Agribank.

Cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định, Long có vai trò trực tiếp và xuyên suốt trong quá trình cho vay thực hiện dự án, tham gia đàm phán với đối tác ở nước ngoài.

Hành vi của bị cáo Long đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng Agribank số tiền hơn 2.400 tỷ đồng.

Siêu xe Bentley được định giá 3 tỷ

Trong phần làm thủ tục của phiên tòa xét xử đại án kinh tế tại Agribank chiều nay, HĐXX làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án.

Đối với chiếc xe Bentley của bị cáo Phạm Thị Bích Lương được cơ quan tố tụng xác định là do Ahmed El Fehdi (một trong các lãnh đạo của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam) tặng được cơ quan định giá cho biết giá trị chiếc xe khoảng 3 tỷ đồng. Hiện siêu xe vẫn đang được giữ lại để đảm bảo công tác thi hành án đối với phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo Phạm Thị Bích Lương – cựu Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.

Bên cạnh đó, với số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo trong vụ án này khoảng 7,8 tỷ đồng, Agribank cũng được quyền quyết toán để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Tại phần làm thủ tục phiên tòa, cơ quan tố tụng làm rõ, có 3 bị cáo kháng cáo kêu oan: là Nguyễn Hữu Thanh – cựu Phó trưởng phòng thanh toán quốc tế, Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội; Phan Qúy Dương – cựu chuyên viên ban tín dụng doang nghiệp Agribank) và Hoàng Thị Thu Hiền – cựu Trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.

Các bị cáo Chử Thị Kim Hiền – cựu PGĐ Agribank Chi Nhánh Nam Hà Nội, Đặng Quang Chung – cựu Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng tín dụng và Nguyễn Thị Thúy Hằng – cựu công chức Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Nội Bài kháng cáo toàn bộ bản án.

Trước đó, bị cáo Phạm Thị Bích Lương – cựu Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngoài ra bị cáo Lê Minh Hiếu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietmade và Công ty CP Lifepro Việt Nam cũng rút đơn kháng cáo.

Bị cáo Hiếu bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo bản án sơ thẩm, Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cùng với 4 người quốc tịch nước ngoài giữ các vai trò, chức trách quan trọng tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội thông qua việc lừa ngân hàng để vay tiền rồi chuyển ra nước ngoài mua nguyên liệu.

Các đối tượng đã lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền được xác định gần 2.500 tỷ đồng.

Chiều nay, phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Agribank kết thúc phần làm thủ tục. Ngày 19/12, phiên tòa sẽ bước vào phần thẩm vấn./.