Từ 1/8, theo Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế cho các Nghị định 171 và 107), người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau.
Cũng theo qui định mới, mức phạt tiền cho hành vi vượt đèn vàng cao gần gấp đôi so với hiện hành: với ôtô có thể lên tới 2 triệu đồng và 400.000 đồng đối với môtô, xe gắn máy...
Ngay sau khi nội dung Nghị định này được đăng công báo đã có nhiều ý kiến trái chiều, bởi vô hình chung các nhà làm luật đã “đồng bộ đèn vàng và đèn đỏ” bằng việc đưa ra mức phạt như nhau. Tuy nhiên, trong thực tế điều tiết giao thông, chức năng của hai loại đèn này hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế, nếu qui định phạt tiền vượt đèn vàng và đèn đỏ như nhau là không đúng so với tính chất của hai màu đèn tín hiệu giao thông.
Đèn vàng là dấu hiệu chuyển đổi tín hiệu (sang xanh hoặc đỏ) giúp người tham gia giao thông có phương án xử lý giao thông tiếp theo. Vậy nên, giờ coi đèn vàng như đèn đỏ thì coi như chúng ta đã “xóa sổ” đèn vàng.
Đèn vàng là một phát minh được thế giới công nhận và áp dụng suốt hơn 100 năm qua ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tương ứng với các màu đèn là các qui phạm pháp luật điều chỉnh hành vi giao thông với mỗi loại đèn này là khác nhau. Cụ thể, vượt đèn vàng mức độ xử phạt khác và vượt đèn đỏ chắc chắn lỗi nặng hơn rất nhiều.
Nếu coi đèn vàng – đỏ như nhau thì có thể xảy ra các tình huống rất nguy hiểm trên đường. Phương tiện đang đi vận tốc cao khi thấy đèn vàng là dừng “khựng” lại một cách đột ngột sẽ dễ xảy ra va chạm giao thông từ phía sau. Yếu tố chuyển tiếp của đèn vàng để giúp người điều khiển phương tiện giao thông có sự chuẩn bị không có ý nghĩa nữa…
Một điểm nữa, nếu qui định như Nghị định 46 thì có điểm mâu thuẫn với Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Nếu tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Theo Nghị định 171, mức phạt người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng thấp hơn mức phạt vượt đèn đỏ. Từ 1/8, Nghị định mới quy định, lỗi không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn vàng và đèn đỏ bị phạt như nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, áp dụng như Nghị định 171 là hợp lý, có chăng mức phạt nên tăng nặng hơn.
Đèn vàng giao thông là một phát minh vô cùng ý nghĩa của loài người được áp dụng hơn 100 năm qua ở các nước. Ở Nghị định 46, với mục tiêu “đánh mạnh” vào túi tiền để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông nhưng lại rất có thể tạo những tình huống khó xử, nguy hiểm khi tham gia giao thông. Chính vì thế, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc để tránh bắt người tham gia giao thông phải “đứng hình” trước một qui định mới và cán bộ thực thi lại “loay hoay” không biết áp dụng thế nào./.