Cách đây ít ngày, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam” với sự tham gia của Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen Việt Nam, đại diện Hiệp hội bán lẻ Việt Nam và một số doanh nghiệp bán lẻ. Mặc dù nội dung hội thảo hoàn toàn không tương xứng với tên gọi quá to lớn kia, nhưng câu hỏi “Tương lai nào cho ngành bán lẻ Việt Nam?” luôn trăn trở trong suy nghĩ của những người quan tâm đến thị trường bán lẻ trong nước.

Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ từ ngày 1/1/2009, nhiều người đã ngất ngây vui mừng khi lần đầu tiên nghiên cứu của tổ chức tư vấn AT Ke-ni (Mỹ) công bố, thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn thứ 3 thế giới. Ai cũng hiểu, điều đó có nghĩa là thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ hấp dẫn được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo đó, sự cạnh tranh sẽ tăng lên rất nhiều và thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có sự thay đổi về chất. Đến nay, sau hơn 5 năm mở cửa thị trường, ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cụ thể là số lượng trung tâm thương mại, siêu thị và các điểm bán lẻ theo xu hướng hiện đại đã tăng rất nhanh. Các kênh bán lẻ hiện đại đã chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 40%.

thi-truong-ban-le.jpg
Ngành Bán lẻ ở Việt Nam cần có nhiều chiến lược hơn nữa thì mới có thể phát triển (ảnh: VTV)

Thế nhưng, đằng sau những con số đáng mừng đó, thị trường bán lẻ Việt Nam đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Trong đó, khiếm khuyết lớn nhất chính là thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ và thiếu đi một nhạc trưởng trong hoạt động thương mại, nên các nhà cung cấp mạnh ai nấy rao, nhà bán lẻ mạnh ai nấy bán, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản. Những doanh nghiệp bán lẻ tạo được niềm tin đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đảm bảo được nguồn hàng ổn định phục vụ người tiêu dùng không nhiều, chủ yếu là các “đại gia” nước ngoài như Big C, Metro, chỉ có một vài doanh nghiệp thuần Việt như Co-op mart, Vinatext mart… là bước đầu làm được điều đó.

Sự thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự bán lẻ cũng đang là một điểm nghẽn khiến ngành bán lẻ Việt Nam không phát triển được như mong muốn. Sự thiếu chuyên nghiệp ấy thể hiện trong từng khâu của bán lẻ, từ nhập hàng, trưng bày đến giao tiếp với người tiêu dùng và nó bắt nguồn từ cách tư duy rất cũ của những người bán lẻ.

Câu chuyện nhân viên của một siêu thị sách tại Gia Lai trói tay một em học sinh vì nghi ăn trộm hai quyển sách là một minh chứng rõ ràng cho tư duy thiếu chuyên nghiệp đó. 

Với những nhược điểm này, phải chăng tương lai ngành bán lẻ Việt Nam không mấy sáng sủa? Không hẳn như vậy. Tương lai ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng để khai thác những cơ hội ấy, rất cần một bước tiến mới trong tư duy và nhận thức của những người tham gia ngành bán lẻ, và từ chính cơ quan quản lý thị trường bán lẻ.

Không nên đặt quá nặng mục tiêu phát triển các điểm bán lẻ hiện đại, mà nên có chính sách cân đối, hài hòa giữa các điểm bán lẻ hiện đại với điểm bán lẻ truyền thống, vì rõ ràng, còn rất lâu nữa, người tiêu dùng Việt Nam mới có thể tạo dựng được thói quen vào siêu thị mua những thứ nho nhỏ, lặt vặt như con cá, mớ rau, túm hành, nhánh tỏi. Hơn nữa, chợ truyền thống với nhiều hoạt động đa dạng lại là một nét văn hóa mà ngay cả nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như: Đức, Anh… cũng đang gìn giữ. Thay vì chi tiền để mở thêm các điểm bán lẻ hiện đại, thì nên dùng số tiền đó để đầu tư cho công tác đào tạo để có một đội ngũ nhân sự bán lẻ chuyên nghiệp.

Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa, bắt đầu từ ngày 11/1/2015, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam. Do đó, nếu không sớm tìm giải pháp liên kết với nhau và hợp tác cùng phát triển, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ dễ bị cô lập và chịu sự cạnh tranh gay gắt. Tương lai đó không còn xa nữa, khi năm 2014 đã qua hết một phần ba thời gian./.