Hôm nay (1/1/2009), theo lộ trình cam kết trong WTO, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường dịch vụ bán lẻ. Nhiều người lo lắng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vốn đã mang trên mình nhiều bệnh tật thì nay lại phải cạnh tranh với “những người khổng lồ” trên thị trường bán lẻ thế giới thì khó tránh khỏi “thương tích”.
Hệ thống siêu thị và chuỗi gần 400.000 cửa hàng bán lẻ truyền thống của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi, theo đó, “chiếc bánh” bán lẻ sẽ được chia làm nhiều phần hơn, các sản phẩm hàng hoá sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn về chất lượng, giá cả và dịch vụ hậu mãi, và người tiêu dùng chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Cạnh tranh không phải đối đầu
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: Không nên quá lo ngại. Thị phần của các đại gia và các doanh nghiệp trong nước mới chỉ chiếm 15% doanh số, vì thế còn rất nhiều “đất” để các doanh nghiệp trong nước thể hiện tài năng của mình.
Theo phân tích của TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện khoa học nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn hai lựa chọn là cạnh tranh hay thất bại. Theo kết quả khảo sát của một số công ty nghiên cứu thị trường thì năm 2009 Việt Nam sẽ bùng nổ về thị trường bán lẻ. Còn chính các nhà bán lẻ quốc tế đánh giá thị trường Việt Nam như thế nào thì có lẽ còn nhiều điều đáng bàn. Qui mô dân số Việt Nam là 86 triệu dân nhưng bình quân thu nhập đầu người chỉ khoảng 1.000 USD/năm, tức là khoảng 86 tỷ USD. Qui mô này không ăn thua gì so với các nhà bán lẻ thế giới. Đây là thị trường nhỏ, nên chưa chắc họ đã vào để cạnh tranh với Việt Nam. Bản thân người tiêu dùng Việt Nam, để làm quen với phong cách bán lẻ hiện đại không phải là dễ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mở cửa thị trường bán lẻ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tự đổi mới mình, nâng cao chất lượng thị trường để cùng cạnh tranh, phát triển chứ không phải là đối đầu.
“Các “đại gia” bán lẻ cũng có cái yếu là sau khi đã sản xuất lớn thì họ lại ép giá nông dân. Cho nên đây cũng là điểm phải đề phòng để tránh triệt tiêu sản xuất trong nước” – ông Phú phân tích.
Thị trường Việt Nam còn có một đặc điểm nữa là có khoảng 25% dân số sống ở đô thị còn toàn bộ khu vực nông thôn thì rất khó phát triển được hệ thống bán lẻ trong thời điểm hiện tại và trong khoảng 5-7 năm tới.
“Chúng ta xác định trong lĩnh vực bán lẻ sẽ phải cạnh tranh để làm tốt hơn theo chuẩn quốc tế còn khả năng đe doạ của các tập đoàn quốc tế thì chưa chắc đã xảy ra khốc liệt như mọi người nghĩ” – ông Ánh nhận định.
Còn theo Bộ Công Thương, từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa từ cách đây 2 năm, không có một doanh nghiệp bán lẻ mới nào xin cấp quyền kinh doanh. Chỉ có một số tập đoàn đã kinh doanh tại Việt Nam từ trước như Metro, Big C xin mở thêm các địa điểm bán lẻ. Hiện có hai doanh nghiệp nước ngoài xin cấp phép theo hình thức nhượng quyền thương mại.
TS Vũ Đình Ánh cũng đưa ra một thực tế: “Chất lượng hàng hoá phục vụ tiêu thụ trong nước cực kỳ kém, ngay cả so với hàng xuất khẩu chứ chưa so với hàng nhập ngoại. Bên cạnh đó, giá cả nhiều loại mặt hàng cao đến mức vô lý. Ví dụ, như thực phẩm chăn nuôi ở nước ngoài chất lượng khác hẳn với trong nước. Thực phẩm chăn nuôi trong nước thì chất lượng kém, giá cả đắt… không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập. Phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam phải gắn với câu chuyện về tiêu dùng của người Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng lại gắn với khả năng cung cấp sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Bây giờ có một thực tế là hàng không xuất khẩu được thì đem về bán cho người tiêu dùng trong nước, khiến người tiêu dùng có cảm giác mình không được tôn trọng và dần tẩy chay hàng nội”.
Liên kết để mạnh hơn
Theo ông Vũ Vinh Phú bản thân chúng ta đang yếu kể cả tầm vĩ mô và vi mô doanh nghiệp; cơ chế chính sách rất khó định đoạt, dự báo kém, không rõ ràng, chi phí tiêu cực vẫn còn. Minh chứng cho điều mình nói, ông Vũ Vinh Phú đưa ra dẫn chứng: “Một siêu thị tiếp cận đất đai 3 năm vẫn chưa xây dựng được siêu thị. Tất cả những cái đó gây khó khăn cho DN, trong khi DN yếu vốn, yếu nhân lực, yếu liên kết. Không liên kết thì không tồn tại được, không đổi mới, không liên kết sẽ phá sản”.
Mở cửa thị trường bán lẻ thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, nhưng phải chú ý tới lợi ích của người sản xuất, vì đó mới là cái gốc. Và ở đây thể hiện rõ vai trò của công tác quản lý - làm lành mạnh thị trường về giá cả, chất lượng. Thực tế hiện nay giữa nhà phân phối và nhà sản xuất vẫn còn xảy ra tình trạng “bắt chẹt” nhau. Nông dân được mùa thì nhà phân phối làm khó nhà sản xuất, ngược lại, mất mùa thì nhà sản xuất lại nâng giá, gây khó dễ cho nhà phân phối.
“Các nhà sản xuất và phân phối phải gặp nhau, lùi lại chiết khấu, đẩy nhanh tiêu thụ hàng hoá để quay vòng còn tốt hơn sản xuất hàng hoá mới. Hệ thống thu mua, đầu vào cho tốt, ổn định, bản thân những người sản xuất phải là cổ đông của nhà bán lẻ. (Nhà máy đường Lam Sơn đã làm được việc này-PV)” – ông Phú nói.
Đối với Việt Nam, để xây dựng thị trường bán lẻ thì đang thiếu một tư duy lớn đó là hệ thống bán lẻ nhưng nằm trong sự chi phối của một tập đoàn lớn chứ không phải là liên minh của các doanh nghiệp nhỏ. Theo TS Vũ Đình Ánh, để không bị thua ngay trên sân nhà, cần phải có hệ thống tổ chức theo mô hình các tổng công ty hay tập đoàn chuyên về bán lẻ như Saigon Coopmart hay Nguyễn Kim đang thực hiện. Mặc dù vậy, các đơn vị này cũng mới chỉ chuyên doanh vào một hay một vài chủng loại sản phẩm, trong khi đó yêu cầu của từng hạt nhân trong chuỗi bán lẻ hiện đại phải được đa dạng về chủng loại hàng hoá và chuyên nghiệp về cách thức phục vụ. Vì vậy, việc làm cần thiết lúc này là Nhà nước nên thành lập một vài tổng công ty hoặc tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, trên cơ sở tổ chức lại hoặc liên kết các DN thương mại nhà nước để làm đối trọng với hệ thống bán lẻ nước ngoài. Một vấn đề khác nữa là, trong số hàng trăm ngàn cửa hàng bán lẻ hiện nay, Nhà nước không thể xoá sổ, nhưng cũng không thể kéo tất cả vào làm việc cho các DN hay siêu thị của nhà nước, mà các DN bán lẻ cần phải “kéo” được các cửa hàng trở thành đại lý cho mình với những điều kiện cụ thể về quyền lợi - trách nhiệm. Đó là cách điều hành và chiếm giữ thị phần bán lẻ một cách tốt nhất, trước sức ép cạnh tranh./.