Đề xuất đưa quy định về “từ chức” vào Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi đã làm “nóng” nghị sự tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII trong những ngày qua. Vấn đề này là đề tài khiến dư luận rất quan tâm. Người dân quan tâm không phải là “từ chức” nên quy định ra sao, quy định trong luật nào mà là cơ chế nào để từ chức; tính khả thi của nó khi được quy định trong luật; pháp luật có nên can thiệp khi từ chức là một vấn đề thuộc phạm trù lương tâm-đạo đức công vụ hay không?

Không phải bây giờ vấn đề “từ chức” mới được đưa ra, nó càng được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây. Đặc biệt khi có những sự việc, sự kiện nảy sinh do yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, gây ảnh hưởng không tốt cho đời sống xã hội. Theo quan điểm, ý kiến của nhiều người, từ chức phải được coi là việc làm hết sức bình thường trong một xã hội dân chủ, minh bạch. Hơn nữa, nó cũng đã được luật hóa tại Điều 54, Luật Cán bộ-Công chức từ năm 2008. Nhưng để thực hiện được nó không phải là dễ, thậm chí là vô cùng khó khăn, cả khi đặt vấn đề và trong thực tế cuộc sống. Lực cản của nó từ đâu?

tu_chuc_ewpk.jpg
Vấn đề từ chức được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây (Ảnh minh họa)

Một vấn đề lâu nay được nói đến nhiều mà đến giờ vẫn chưa rõ ràng, chưa giải quyết được ngọn ngành, thấu đáo. Đó là quy trách nhiệm cụ thể đối với người có chức vụ, quyền hạn. Tình trạng “trách nhiệm tập thể”, không xử lý được trách nhiệm cá nhân là câu chuyện chưa có hồi kết. Chỉ khi nào thấy rõ được trách nhiệm cá nhân, làm rõ được việc phân cấp, phân quyền lúc đó mới đảm bảo người đứng đầu có quyền hạn một cách thực chất và chịu trách nhiệm về con người, lĩnh vực quản lý, điều hành; đảm bảo sự công bằng về chịu trách nhiệm. Bởi trong thực tế, có những quyết định mà người “quyết” chỉ mang danh; hoặc có những lĩnh vực người đứng đầu không được can thiệp vào công tác tổ chức con người, công việc ở cơ sở thì rõ ràng sẽ là không công bằng khi chỉ một mình họ phải gánh chịu trách nhiệm.

Điều nữa, câu nói “một người làm quan cả họ được nhờ” dường như phản ánh đúng thực tế hiện nay. Từ những tiêu cực để “chạy chức, chạy quyền”, dẫn đến lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng, gây lũng đoạn trong công tác cán bộ, trong nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội. Có quyền tức có lợi. Lẽ dĩ nhiên, một số người không dễ từ bỏ những cái gọi là “đặc quyền, đặc lợi ” ấy.

Theo quy định của Luật Cán bộ-Công chức, công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức hoặc miễn nhiệm trong các trường hợp: Không đủ sức khỏe; Không đủ năng lực, uy tín; Theo yêu cầu nhiệm vụ; hoặc vì lý do khác. Tuy nhiên, yêu cầu một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn tự xác định không đủ năng lực, uy tín quả là một việc khó khăn. Khi chưa đủ dũng cảm nhìn nhận khách quan về năng lực, phẩm chất của mình thì chắc chắn cũng không đủ dũng cảm nhận trách nhiệm và từ bỏ quyền lực mình đang có.

“Từ chức” có nghĩa sẽ không tiếp tục chức vụ đang giữ và nó chỉ xảy ra đối với người có chức, có quyền. Nó đòi hỏi những người đó phải thực sự có lương tâm với công việc, với trọng trách được giao. Bởi thế, khi thảo luận về việc có nên quy định “từ chức” trong Luật Tổ chức Chính phủ hay không, đã có nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng cần thiết quy định vấn đề từ chức đối với các thành viên Chính phủđể đề cao được trách nhiệm của cán bộ; có ý kiến lại cho rằng chưa thể nóng vội quy định trong Luật bởi nó phụ thuộc vào vấn đề nhận thức của mỗi người. Có nghĩa, nó là một vấn đề thuộc phạm trù văn hóa, phạm trù đạo đức. Và người có chức, có quyền phải có những ứng xử văn hóa, phù hợp với đạo lý, phù hợp quy định của pháp luật.

Dù rằng vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận; dù rằng cho đến nay, nhiều người vẫn chưa “mặn mà” với quyền được từ chức, nhưng thực tế đã cho thấy, từ chức là một hướng lựa chọn phù hợp đối với người có chức vụ quyền hạn khi để xảy ra những lỗi nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động chung của xã hội.

Từ chức không có nghĩa giúp cho những người có chức vụ quyền hạn được “hạ cánh an toàn”, mà nó góp phần tạo nên một thói quen, ý thức trách nhiệm, văn minh. Nếu là người trung thực, có lòng tự trọng họ sẽ hiểu rằng, tự nguyện từ chức là đạo đức công vụ, là một việc làm hết sức bình thường, là một tất yếu trong quá trình quản lý, điều hành. Để đến khi pháp luật phải can thiệp thì từ chức sẽ không còn mang ý nghĩa tốt đẹp cho xã hội./.