ách đây ít ngày, chương trình Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin: Thủ tướng phê bình các địa phương chậm trễ trong việc cải cách thủ tục hành về đất đai. Điều đó cho thấy, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, đang là mối quan tâm hàng đầu của người đứng đầu Chính phủ. Và trên thực tế, những vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai đang là một lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế.

dat_dai_kgrj.jpg
Những vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai đang là một lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế (Ảnh minh họa: Internet)

Trong cuộc họp với Bộ Tài nguyên Môi trường mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình một số địa phương chậm trễ trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai. Cụ thể là có 22 tỉnh, thành phố chưa công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng; 49 tỉnh, thành phố chưa đưa Văn phòng đăng ký đất đai một cấp đi vào hoạt động (bao gồm 48 tỉnh, thành phố mới lập xong đề án và một tỉnh chưa lập đề án).

Nếu như nhìn vào kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (gọi tắt là PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (gọi tắt là PCI) thì sẽ hiểu lý do vì sao Thủ tướng Chính phủ phê bình những tỉnh chưa công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai.

Ở hai Chỉ số này, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đều là một trong những nguyên nhân chính khiến mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền các địa phương chưa cao. Đồng thời, đây cũng là một trong những yếu tố đẩy giá thành các công trình xây dựng tăng thêm khoảng 15 - 30%, nếu như căn cứ vào một con số thống kê do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra trước đây.

Còn theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cập nhật cuối năm 2014 thì cứ 14 doanh nghiệp lại có 1 doanh nghiệp bị thanh tra về đất đai và thủ tục hành chính về đất đai đứng đầu trong mức độ gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính phiền hà, tốn thời gian, công sức và chi phí của người dân, của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai thực sự là một lực cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, làm giảm những đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững của đất nước, khiến người dân gặp khó khăn khi giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai.

Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là một việc làm khó. Khó vì đây là lĩnh vực nhạy cảm, động chạm đến mọi mặt của kinh tế xã hội cũng như đời sống dân sinh. Vì vậy, khi quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai chắc chắn sẽ vấp phải những trở ngại nhất định của một số người, một số nhóm người có lợi ích riêng từ việc duy trì những thủ tục hành chính rườm rà cũ.

Thế nhưng, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính không phải là bỏ vai trò quản lý nhà nước, mà cải cách là để quản lý tốt, công khai, minh bạch đi liền với tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Do đó các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung theo hướng bãi bỏ những quy định không cần thiết, hoặc nếu giữ để quản lý thì phải đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch nhằm quản lý tốt hơn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Khi cải cách thủ tục hành chính về đất đai tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao. Đúng như lời Bác Hồ vẫn dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần, dân liệu cũng xong”./.