Sự khẳng định của các dân tộc là một hiện tượng phổ quát, quan trọng và bức thiết trong thế giới đương đại. Nhân tố dân tộc, sức mạnh dân tộc bao gồm ý thức dân tộc, trách nhiệm dân tộc, quyền tự quyết dân tộc, tương lai dân tộc. Vấn đề dân tộc nếu được nhận thức đúng đắn, coi trọng và phát huy một cách thiết thực sẽ là cội nguồn động lực cơ bản của loài người và tiến bộ xã hội, nhưng nếu bị xem nhẹ hoặc xử trí sai trái theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, chủ nghĩa dân tộc nước lớn, sẽ là thảm họa quốc gia, thậm chí là thảm họa quốc tế.

chan-trang-m.jpg
Sức mạnh dân tộc mang lại mùa xuân ấm áp trên mọi miền Tổ quốc

Từ năm 1945 đến nay, mặc dù không có cuộc chiến tranh thế giới nào xảy ra, nhưng đã có hơn 60 cuộc chiến tranh vừa và nhỏ, hàng trăm cuộc xung đột sắc tộc bằng những vũ khí thông thường và cả “vũ khí tinh khôn” làm hàng chục triệu người thiệt mạng. Hầu hết những cuộc chiến tranh và xung đột đó đều bắt nguồn từ vấn đề dân tộc hoặc có liên quan đến vấn đề dân tộc. Nhiều cuộc chiến tranh hoặc xung đột sắc tộc kéo dài không dứt trong khi liên tục xảy ra những xung đột mới với nguy cơ lớn đe dọa sinh mạng hàng trăm triệu dân lành.

Ở Châu Phi có tới gần 1.000 dân tộc, bộ tộc khác nhau và thường xảy ra các cuộc xung đột bằng súng đạn trong nội bộ những quốc gia và giữa một số quốc gia. Tại Trung Đông cũng liên tiếp xảy ra các cuộc chiến huynh đệ tương tàn liên quan đến vấn đề sắc tộc. Vấn đề dân tộc vẫn có những diễn biến phức tạp tại nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây hoặc ngay tại các nước gần ta như Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, Thái Lan…

Trong hơn 200 quốc gia trên thế giới hiện nay, hiếm có nơi nào mà vấn đề dân tộc lại được giải quyết một cách êm thấm, hài hòa và ngày càng trọn vẹn, sinh động như ở Việt Nam. Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, 54 dân tộc anh em trên đất nước ta cùng sát cánh bên nhau đoàn kết chống ngoại xâm, sống chung trong cộng đồng đa sắc màu văn hóa, làm nên nét đẹp văn hóa - xã hội đặc thù Việt Nam. Thành công đó được tạo lập do nhiều nhân tố.

Trước hết, phải kể đến giá trị văn hóa truyền thống. Thật tuyệt vời chúng ta có truyền thống “Con Rồng cháu Tiên” với thiên duyên kỳ ngộ Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra trăm trứng thành trăm người con, đến mọi vùng miền đất nước để lập nghiệp, sinh sôi thành cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết mang tính nhân văn sâu sắc và hư ảo đó lại được đậm đà thêm bằng sự kết trái ngọt ngào. Đó là hai tiếng “đồng bào” với cả thực thể các Vua Hùng dựng nước.

Thật ý nghĩa vô cùng bởi từ đó mà cả nước ta chung một tổ tiên, chung một cội nguồn. Câu ca xưa truyền đến hôm nay và cho mãi mãi. “Dù ai đi ngược, về xuôi; Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười, tháng Ba”. Rồi cứ mỗi mùa Xuân đến, vào ngày giỗ Tổ, hàng chục vạn cháu con từ khắp mọi miền Tổ quốc chảy về dự giỗ Tổ, trở thành ngày hội tâm linh, tôn vinh truyền thống. Cũng trong thời điểm đó, cả chục triệu người con đất Việt hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Tự hào biết bao, chúng ta có Quốc tổ, Quốc giỗ và có chung hai tiếng “đồng bào”. Càng thêm tự hào bởi non sông, đất nước ta lại có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, Người đã tìm ra chân lý, bắt nhịp bước đi thời đại, sáng lập ra Đảng ta, trở thành lãnh tụ thiên tài chỉ huy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ.

Đối với nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người ruột thịt của tất cả mọi nhà, mọi người. Từ ông, bà, cha, mẹ đến cháu con, ai ai cũng gọi Bác Hồ, ai cũng có Bác Hồ trong tâm trí, trong trái tim mình. Là cha già dân tộc, Bác Hồ quan tâm đến hết thảy các tầng lớp nhân dân, tất cả các dân tộc đa số và thiểu số. Bác thường gọi nhân dân tất cả các dân tộc trên đất nước bằng hai tiếng “đồng bào”. Không ai có thể đếm được đã bao nhiêu lần Bác dùng hai tiếng thân thương đó trong khi giao tiếp hay trong các bài viết của Bác.

Ngay từ buổi dựng nước, trước khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác hỏi “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Những lúc đứng trước những tình huống khó khăn, “nước sôi, lửa bỏng”, Bác sử dụng hai tiếng “đồng bào” để hiệu triệu; khi đất nước bình yên, Bác gọi “đồng bào” với sự trìu mến, thân thương và quan tâm chăm chút. Ngay cả trước lúc đi xa, trong bản Di chúc lịch sử, Bác vẫn thiết tha muốn “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Theo kim chỉ nam Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và đồng thời là đội tiên phong của cả dân tộc Việt Nam, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với toàn thể “đồng bào”. Chính vì thế, cả dân tộc Việt Nam gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng ta, Đảng của chúng ta. Đến lượt mình, trong suốt chặng đường 84 năm lịch sử vẻ vang, Đảng ta luôn dặt mục tiêu cao cả nhất của sự nghiệp cách mạng là vì nhân dân.

Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có bài học thứ hai: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Đảng khẳng định, toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân.

Trong định hướng về chính sách phát triển đất nước, Cương lĩnh của Đảng xác định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Vậy là, có Bác Hồ, có Đảng ta, hai tiếng “đồng bào” càng thêm thiêng liêng, thêm đậm đà, sâu xa tình nghĩa.

Chúng ta đang bước vào thời kỳ mới tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Thách thức và khó khăn không hề nhỏ nhưng chúng ta cũng có những cơ hội và thuận lợi cơ bản. Đó là thế và lực của đất nước đang ngày được tăng cường, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày một nâng cao trên trường quốc tế. Quan trọng hơn là chúng ta có sự nồng ấm giữa ý Đảng với lòng dân. Bác Hồ, Đảng ta, đồng chí, đồng bào - những tiếng ấm áp và thân thương ấy thật thiêng liêng cao cả, là những nhân tố hợp thành sức mạnh tổng hợp tiếp tục đưa đất nước ta, dân tộc ta ngày càng phát triển vững bền, tiến bước cùng thời đại./.