Mạn phép dùng cụm từ “SJC là số 1” để diễn tả cho việc Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) được NHNN giao cho việc dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu vàng quốc gia. Liên quan đến câu chuyện “SJC là số 1” này, lâu nay dư luận còn nhiều lấn cấn, sự đồng tình, phản đối đều có cả. Song, hẳn là khi có một ông Tướng công an lên tiếng chỉ thẳng ra một số hệ lụy cho thị trường sau khi có “SJC là số 1”, thì dư luận lại sục sôi, lo lắng, boăn khoăn.
Đã có hệ lụy sau “SJC là số 1”
Ông Tướng nói trên là Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, (Bộ Công an) khi đánh giá về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 127/TW, ngày 30/3, lên tiếng cho rằng, do cơ chế NHNN giao doanh nghiệp SJC được dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu vàng quốc gia, nên từ năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch giá lớn giữa giá vàng trong nước và nước ngoài, đã xuất hiện vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các doanh nghiệp kinh doanh bán cho dân.
Tướng Lực còn cho biết, từ tháng 7/2012 đến nay, riêng Công ty SJC đã phát hiện 300 lượng vàng nhái SJC. Đặc biệt, đại diện Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho hay: Việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC, làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác.
Còn theo một chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng, việc SJC được lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia là nguyên nhân chính khiến số lượng vàng nhái thương hiệu này xuất hiện ngày càng nhiều.
Trong khi đó, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội liên quan đến việc độc quyền vàng miếng SJC có gây thiệt hại cho dân hay không, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, Nghị định 24 và các quy định của NHNN không có quy định nào buộc người dân phải chuyển đổi vàng miếng sang thương hiệu SJC, nhưng thực tiễn có rất nhiều người dân đang nắm giữ thương hiệu vàng miếng khác muốn chuyển sang thương hiệu SJC. NHNN đã có hướng dẫn và đã cho phép SJC được nhận các thương hiệu vàng miếng này và gia công lại trở thành thương hiệu SJC, người dân phải nộp phí gia công mỗi lượng vàng 50.000 đồng.
Với những thông tin trên cho thấy, việc chọn “SJC là số 1” đã làm phát sinh nhiều hệ lụy.
Ngày 28/3, NHNN đã tổ chức buổi đấu thầu vàng miếng đầu tiên. Theo đó, lượng vàng bán được trong phiên này chỉ 2.000 lượng, trong khi số lượng chào ra là 26.000 lượng. Đáng chú ý, mức giá trúng thầu là 43,81 triệu đồng/lượng. So với giá tham chiếu, giá khởi điểm cao hơn 210.000 đồng/lượng và cao hơn giá vàng SJC niêm yết tại trị trường trên 100.000 đồng/lượng.
Sau sự kiện này, ông Trương Văn Phước, TGĐ Ngân hàng Eximbank trả lời báo giới, cho rằng NHNN cần chia sẻ lợi ích, các đầu mối cũng cần chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, vì mục tiêu chung. Ông Phước còn đề xuất NHNN nên xem xét mức giá chào bán thấp hơn giá thị trường một mức vừa phải; các doanh nghiệp trúng thầu khi bán ra cũng xem xét có chênh lệch vừa phải. Như vậy, qua các phiên, nhu cầu của thị trường dần được đáp ứng, giá trong nước sẽ từng bước về gần hơn giá thế giới.
Rõ ràng, kết quả phiên đấu thầu đầu tiên cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với giải pháp này.
Hai nghịch lý nhãn tiền
Những động thái liên quan đến “SJC là số 1” thời gian qua lộ ra hai nghịch lý. Một là, gây ra sự bất bình đẳng cho các thương hiệu vàng trên thị trường. Bởi lẽ, theo nguyên tắc tồn tại của thị trường, mọi sản phẩm phải được tồn tại và cạnh tranh bình đẳng. Quyền năng tối cao trong việc lựa chọn và tôn vinh sản phẩm nào ở vị trí nào phải thuộc về người tiêu dùng, không phải của một trung gian nào đó. Trong tiêu dùng, mua-bán, mỗi khách hàng tự chọn sản phẩm số 1 của riêng mình, theo khả năng chi trả và sở thích, niềm tin của mình.
Nghịch lý thứ hai thể hiện ở chỗ, cho dù chọn “SJC là số 1” với mục đích để góp phần bình ổn thị trường vàng, nhưng khi người có vàng thương hiệu khác sẵn sàng trả phí để gia công thành thương hiệu SJC, thể hiện có sự suy giảm niềm tin của thị trường vào các thương hiệu vàng khác. Như vậy niềm tin ảo đã được khai sinh, tin vào cái tem hơn giá trị thực của sản phẩm.
Một thị trường vàng lành mạnh, một hệ thống quản lý công bằng, nghiêm minh... sẽ tạo niềm tin vững chắc cho cả khách hàng và nhà sản xuất, kinh doanh để họ được cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Khi đó, không ai còn phải lấn cấn về cái sự hơn-thiệt khi mua – bán vàng. /.