Tháng động vì vệ sinh an toàn thực phẩm đã bắt đầu từ ngày 15/4. Cứ vào dịp này, câu chuyện về thực phẩm bẩn lại được nhắc đến. Chủ đề này chưa bao giờ hết “nóng”, không chỉ trong bữa ăn gia đình với hàng loạt vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; “nóng” cả trong nghị trường Quốc hội, trong các diễn đàn mạng với hàng triệu người tham gia. Dư luận mong muốn, tháng hành động vì VSATTP không chỉ dừng lại ở việc "trống giong, cờ mở", nâng cao nhận thức, mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để người dân không phải chết mòn vì đồ ăn, thức uống.
Thực phẩm bẩn vẫn khó kiểm soát (Ảnh: Dantri) |
Lo ngại của vị giáo sư này không phải không có cơ sở. Trong vòng 5 năm, từ 2011-2016, có tới 164 người chết do ngộ độc thực phẩm. Mỗi năm có 70.000 người chết do ung thư, trong đó có một phần nguyên nhân từ thực phẩm bẩn. Và cũng trong vòng 5 năm, từ 2011-2016, có tới gần 25.000 tấn thực phẩm bẩn bị tiêu huỷ, mà theo các chuyên gia, đó chỉ là “một phần nổi của tảng băng”.
Nói gần nói xa, đó là hệ quả của một nền sản xuất và nuôi trồng thất bại! Trong nhiều năm, chúng ta chưa tìm ra cách quản lý hoá chất bảo vệ thực vật hiệu quả. Tại các vùng nông thôn, mua một chai thuốc sâu hay thuốc tăng trọng lợn dễ như mua mớ rau ngoài chợ. Ở đó vẫn diễn ra chuyện “lợn nuôi 2 chuồng, rau trồng 2 luống”, nhà này ăn phải thực phẩm thiếu an toàn của nhà kia! Còn tại khâu lưu thông, những kẻ buôn bán thực phẩm dễ dàng mua hoá chất cấm, phụ gia tại chợ mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên phó giám đốc Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi nhậm chức Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm của thành phố này từng chua xót: "chừng nào còn sự tồn tại của những khu chợ hóa chất thì chừng đó an toàn thực phẩm còn chưa thể triệt để". Vậy tại sao bao năm rồi, những chợ hoá chất như thế vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức sự an toàn của cả cộng đồng? Chỉ vì lợi nhuận, nhiều người sản xuất và kinh doanh thực phẩm sẵn sàng đánh đổi sức khoẻ và tính mạng của người khác. Đó là tội ác, là hệ quả của một xã hội mà thượng tôn pháp luật chưa thực sự được coi trọng.
Không phải ngẫu nhiên, chủ đề của Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay là “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Chỉ người sản xuất và lưu thông thực phẩm mới đảm bảo chắc chắn thực phẩm của họ có an toàn hay không. Tất nhiên, họ không thể qua mặt được các cơ chức năng nhưng việc để “lọt lưới” thực phẩm bẩn từ khâu sản xuất đến lưu thông ra thị trường, vẫn cứ nhan nhản.
Một xã hội phát triển trước hết cái ác, cái xấu phải được nhận diện. Trong một cộng đồng nhỏ ở địa phương (một làng, một xã) không khó để “vạch mặt, chỉ tên” những hộ nông dân hay những trang trại có hành vi sử dụng chất cấm đầu độc người tiêu dùng. Ở các nước, cửa hàng nào, doanh nghiệp nào vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì chỉ có đường đóng cửa, vì ngoài bị xử phạt, người tiêu dùng lập tức tẩy chay. Phải làm sao để người sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn hiểu rằng, nếu vi phạm thì chẳng những không còn đường kinh doanh mà phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Tại nghị trường Quốc hội năm ngoái, một đại biểu từng lên tiếng về sự chồng chéo trong chức năng quản lý an toàn thực phẩm hiện nay khi dẫn câu chuyện: một sợi bún mà có tới 3 bộ cùng quản lý: nguyên liệu để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ NN&PTNT; sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công Thương, rồi sản phẩm bún bán thị trường, nếu có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế. Ở tầm vĩ mô, người tiêu dùng đang trông chờ vai trò “nhạc trưởng”, thay vì ba bộ chức năng cùng quản lý đồ ăn, thức uống.
Người dân đang cần những giải pháp xương sống giải quyết tận gốc vấn đề chứ không thể tiếp tục tư duy “sự vụ”; khi sự việc xảy ra chỉ cơ sở sản xuất và người dân phải gánh chịu, còn các ngành chức năng thì …vô can. Thực phẩm bẩn đã cấp bách lắm rồi, đừng để người dân phải chết mòn chỉ vì đồ ăn, thức uống!./.
Doanh nghiệp, người dân và nhà nước phải cùng chống thực phẩm bẩn
Phó Cục trưởng Cục ATTP: Còn sản xuất nhỏ lẻ, còn thực phẩm bẩn
Phát hiện gần 1 tấn thực phẩm bẩn trên đường vào Đà Nẵng tiêu thụ
Thủ tướng đề nghị tăng cường giám sát, tẩy chay nông sản, thực phẩm bẩn
Sự thật gây sốc: Thực phẩm bẩn đổ vào trường cho học sinh ăn?