Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tọa đàm khoa học “Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc”. Ngoài những dự báo cụ thể về kinh tế 6 tháng cuối năm, tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam, một trong những vấn đề được các chuyên gia kinh tế đặc biệt quan tâm là phân bổ nguồn lực và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam như thế nào để có thể đứng vững trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động? 

cong_nghiep_ho_tro_kutz.jpg
Vấn đề cần phải làm ngay là tăng cường sức đề kháng cho doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh: theleader.vn)
Cho đến thời điểm này vẫn chưa có những dấu hiệu rõ nét cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động quá tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì mọi biến động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động theo hiệu ứng domino tới nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, từ tỷ giá, thị trường chứng khoán tới đầu tư và cả tâm lý xã hội, trong đó có tâm lý của chính các doanh nghiệp. Do đó, vấn đề cần phải làm ngay bây giờ là tăng cường sức đề kháng cho doanh nghiệp Việt Nam để có thể chống đỡ với những “trái gió trở trời” của thời tiết kinh tế toàn cầu. 

Thực ra thì không cần phải có những biến động của kinh tế toàn cầu thì Chính phủ mới xác định doanh nghiệp là trọng tâm của đổi mới, phát triển, của nghiên cứu và ứng dụng khoa học, của phục vụ. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đến ngày 15/8/2018, các Bộ, ngành phải cắt giảm ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh do Bộ ngành mình quản lý để cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tính đến thời điểm này, về mặt văn bản, đã có nhiều Bộ ngành thực hiện được nghiêm túc những yêu cầu này, cắt giảm được ít nhất 50% điều kiện kinh doanh thuộc bộ ngành mình quản lý. 

Tuy nhiên, trên thực tế, theo quan sát của giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh theo hướng không thực chất, dẹp “giấy phép con” lại manh nha xuất hiện “giấy phép cháu”… vẫn có nguy cơ quay trở lại.

7 tháng qua vẫn có tới gần 60.000 doanh nghiệp - bình quân mỗi ngày có 285 doanh nghiệp - phá sản, giải thể, ngừng hoạt động. Con số này cho thấy một thực trạng: dù đã có những cải thiện nhất định đối với môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra môi trường “dễ thở” với doanh nghiệp. Trong khi đó, đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước vào tăng trưởng chung ngày càng mờ nhạt, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, dù đây là khu vực được dành nhiều ưu đãi về thuế, mặt bằng, chính sách…. 

Thực tế này đang đòi hỏi những chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy cổ phần hóa. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ giao cho một số bộ ngành nghiên cứu, lập báo cáo để có thể đưa ra trong cuộc họp chuyên đề về doanh nghiệp Nhà nước dự kiến được tổ chức trong tháng 9 tới đây.

Những tháng cuối năm được coi là có nhiều thách thức đối với nền kinh tế khi tỷ giá liên tục biến động, các quốc gia xung quanh chúng ta đang ra sức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư, lạm phát tiếp tục tăng theo chiều hướng chịu tác động của bên ngoài như giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng. Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách như thế nào để doanh nghiệp có thể vững tay chèo trong sóng cả là một bài toán đối với các cơ quan hoạch định chính sách. 

Theo ý kiến của các chuyên gia, bất luận diễn biến như thế nào, thì quan trọng nhất vẫn phải là cân nhắc lợi ích phát triển chung, tác động đa chiều, chứ không nên chỉ nhìn lợi ích trước mắt của một số nhóm, một số ngành hay một số địa phương, cho dù đó là điều hành tỷ giá, thu hút đầu tư hay thúc đẩy tăng trưởng tín dụng./.