Hàng trăm sinh viên Đại học Ngoại ngữ Huế phản đối chuyện nhà trường ra thông báo đề nghị thu tiền từ sinh viên kích hoạt sim điện thoại của mạng di động Vinaphone để nhận thông báo liên quan đến việc học tập.
Đại học Ngoại ngữ Huế |
Dù lãnh đạo trường đã nhận sai sót là trước khi triển khai đã không lấy ý kiến của sinh viên và nhà trường không hưởng lợi gì từ việc này. Tuy nhiên, sự việc đã “động” đến quyền tự do lựa chọn dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng… nên mới vấp phải phản ứng của sinh viên.
Câu chuyện xảy ra ở trường Đại học Ngoại ngữ Huế khiến nhiều người thấy “hao hao” giống với một vài tình huống đã xảy ra và liên tưởng ngay tới câu chuyện UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải uống bia Sài Gòn khi tiếp khách, nhằm kích cầu cho doanh nghiệp.
Từ hai câu chuyện này có thể thấy, mục đích cũng “hoàn toàn trong sáng”, giúp kích cầu tiêu dùng nội địa bằng việc sử dụng sản phẩm dịch vụ, hàng hóa của một doanh nghiệp nào đó. Thế nhưng, họ không nghĩ rằng, chúng ta đã hội nhập quốc tế, mọi qui luật vận hành kinh tế, xã hội, thị trường… phải tuân thủ quy luật thị trường.
Các doanh nghiệp phải chiếm lĩnh thị phần, người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm của mình. Và người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn hàng hóa dịch vụ mà mình yêu thích, nếu không họ có quyền tẩy chay.
Không uống bia Sài Gòn phải viết tường trình: Chuyện thật như đùa!
Chuyện chiếc sim điện thoại rất nhỏ bé nhưng chức năng vô cùng quan trọng, phục vụ nhu cầu thông tin, liên lạc cá nhân. Thời gian qua, việc sử dụng sim rác, số rác… để thực hiện các hành vi phạm tội là một thực tế nhức nhối khiến các nhà quản lý đau đầu. Cho dù luật pháp cho phép mỗi người có thể dùng tới 3 thuê bao/mạng nhưng có lẽ đây không phải là việc làm được khuyến khích và nhiều người cũng chẳng muốn sử dụng tối đa quyền của mình.
Phần đông người sử dụng hàng chục năm không thay đổi số điện thoại, họ coi đó như cái tên đi theo suốt cuộc đời... Nếu đưa các em sinh viên số điện thoại mà các em không thích dùng thì kho số ảo của nhà mạng sẽ tăng lên. Và ở đây lại thêm một nhân tố khiến việc quản lý các thuê bao điện thoại trở nên phức tạp hơn.
Cho dù lãnh đạo nhà trường khẳng định “không hưởng lợi gì từ việc này” nhưng dư luận sẵn sàng nghi ngờ “phải có lợi mới làm”. Ở đây, sim điện thoại nói là miễn phí, và được tặng thêm tiền “khuyến mại” trong sim, sinh viên chỉ nộp 20.000 đồng để nhà mạng kích hoạt sim nhưng bản chất chưa chắc đã là như vậy. Nghĩa là “chẳng có gì miễn phí” bởi khi cầm chiếc sim này, chưa biết các em có sử dụng hay không thì cũng đã phải trả 20.000 đồng. Rồi trong suốt quá trình học tập, các em còn bị “chặt” phí khi sử dụng tài khoản, tiền duy trì tài khoản… và những khoản hỡi ôi nào nữa ai biết được.
Trở lại với câu chuyện ở Đại học Ngoại ngữ Huế, có thể lãnh đạo nhà trường chưa lường hết được các tình huống khi ra thông báo. Nhưng “sơ suất” này cũng cần phải được chấn chỉnh nghiêm túc. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các thầy cô giáo là người dạy sinh viên cách sống, làm việc theo pháp luật. Vậy nhưng, chính sự việc này đang khiến các thầy cô vi phạm luật. Dù rằng, nói là “không bắt ép” nhưng đã ra thành văn bản và lại gắn với một sự lựa chọn rất quan trọng đi kèm là “thông báo kết quả học tập”. Vậy, với những bạn không sử dụng sim Vinaphone thì sẽ không nhận được thông báo kết quả này? Vậy là nói "không bắt buộc" nhưng vô hình chung đã có ý bắt buộc. Đi học thì phải biết kết quả học tập, biết các nội dung thông báo của nhà trường… thử hỏi, nếu không có cái sim Vinaphone thì những sinh viên còn lại sẽ “mù” thông tin của nhà trường?
Nếu nhà trường thực sự mong muốn xây dựng mô hình “sổ liên lạc điện tử” với sinh viên thì hoàn toàn có nhiều cách chứ không phải dùng sim Vinaphone là lựa chọn duy nhất. Cách mà nhà trường đã lựa chọn vừa phản cảm, vừa vi phạm luật, lại vừa không hiệu quả./.