Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sẽ được khai mạc vào ngày mai (22/10) có một nội dung rất được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đó là Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Khi được hỏi về dự thảo Nghị quyết này, hầu hết ý kiến cử tri đều cho rằng, đó là việc làm cần thiết, thể hiện một bước đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội; đưa Quốc hội hoạt động này càng thực chất và hiệu quả hơn.

Ông Trần Thanh Vân, cán bộ nghỉ hưu ở quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng khẳng định, kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần quan trọng, tham mưu cho Đảng, Nhà nước đánh giá chính xác, hiệu quả hơn năng lực trình độ của người giữ chức vụ quyền hạn, kịp thời đưa ra khỏi hàng ngũ những người không đủ đức, đủ tài, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được niêm yết công khai.

Góp ý về dự thảo Nghị quyết, cử tri cho rằng, việc chia các mức khác nhau để đánh giá tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là phù hợp, thể hiện sự nghiêm túc, cần thiết đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; đồng thời tránh việc nhầm lẫn giữa “lấy phiếu tín nhiệm” với “bỏ phiếu tín nhiệm”; bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức độ là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Đối với  người có phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50%, ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đề nghị cần bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay mà không cần chờ đến lần hai. Tuy nhiên, cần tạo cho họ cơ hội giải trình về những hạn chế, yếu kém.

Ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc quy định lấy ý kiến tín nhiệm đối với cấp Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội vì quy định này rất khó thực hiện bởi trên thực tế, nhiều cấp phó là đại biểu kiêm nhiệm. Riêng với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ông Nguyễn Xuân Điệp đề nghị thực hiện chặt chẽ hơn quy trình lấy phiếu tín nhiệm.

Cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng rằng, sau khi được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn sẽ góp phần đáng kể trong việc xây dựng, đánh giá chính xác năng lực của người giữ chức vụ quyền hạn cũng như kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp./.