Trong trả lời báo giới về nội dung này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định: Đây là hiện tượng quyền lực đang bị thương mại hóa hòng mang lại lợi ích cho một nhóm nào đó, hệ quả là xã hội phải chịu thiệt thòi.

Thực chất, mối quan hệ “không bình thường” này có lợi cho cả 2 phía: doanh nghiệp và người có chức, quyền. Và đương nhiên, đó chính là mầm mống của tham nhũng, đút lót. Những mối quan hệ kiểu này đang ngày càng nảy nở và trở thành vấn nạn trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhất là khi sự kiểm soát cũng như các quy định về pháp luật chưa chặt chẽ.

Sự “không bình thường” này cũng tạo ra những bất công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bởi lẽ sự thành công của DN nhiều khi lại không đặt trên mặt bằng cạnh tranh thị trường mà dựa vào những mối quan hệ trong “nháy, nháy” để có được dự án này, công trình kia. Có nghĩa, nhiều DN chỉ cần đầu tư vào “mối quan hệ” không cần đầu tư nâng cao công nghệ, đào tạo tay nghề, hay hoàn thiện bộ máy quản trị của mình mà vẫn giầu lên một cách dễ dàng. Tiếc rằng, cách làm này chỉ khiến các doanh nghiệp Việt Nam giàu lên nhưng lại không mạnh lên, không có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. “Đấy là nguy cơ khi VN đã gia nhập WTO” – TS Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Hiện tượng này cũng cho thấy quyền lực đang bị thương mại hóa, trở thành thứ hàng hóa để mua bán, đánh đổi. Từng vị trí, cấp, bậc đều có giá và điều này càng đáng lo ngại hơn khi nhóm lợi ích được xây dựng trên mối quan hệ “thân hữu”. Chưa bàn tới việc DN mua chuộc, dụ dỗ hay phía quan chức gợi ý, kiếm cớ sách nhiễu. Song rõ ràng những mối quan hệ kiểu này từng bước tạo nên những cái gọi là thông đồng giữa đôi bên để tiến tới làm méo mó chính sách. Có thể thấy mức độ ảnh hưởng của các mối quan hệ kiểu này chi phối như thế nào trong việc thu xếp các dự án, chương trình, thậm chí ảnh hưởng, tác động trong việc định hướng chính sách để có lợi cho nhóm lợi ích đó.

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khi nghiên cứu về mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với DN đã chỉ ra 14 hành vi cụ thể trong mối quan hệ này. Thật đáng mừng khi vấn đề được coi là nhạy cảm lại được mang ra nghiên cứu và kết luận để từ đó có những giải pháp kịp thời, cách kiểm soát và điều hành phù hợp.

Và chỉ khi nào sự kiểm soát cũng như những chế tài quy định ngăn cản người ta sợ không dám bắt tay tạo thành những “nhóm thân hữu” thì khi đó mới giảm bớt được tham nhũng và cũng chỉ khi đó những mối quan hệ “không bình thường” như vậy sẽ trở lại bình thường./.