Tiếng nói của nghị trường có lẽ đã trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết khi các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự bức xúc trước tệ nạn tham nhũng đang trở thành quốc nạn. Sự quyết liệt ấy đang đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ phải hành động thực sự, để chống tham nhũng đạt được hiệu quả chứ không phải là hình thức, nói không đi đôi với làm.
Không phải tới phiên thảo luận hôm nay (9/11), mà các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội trước, vấn đề tham nhũng, lãng phí đã làm nóng nghị trường với bài phát biểu hết sức tâm huyết của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến, khi ông cho rằng hai tệ nạn này là "anh em sinh đôi, là đồng hành, đồng lõa, đồng phạm" dẫn đến những trì trệ của nền kinh tế.
Ông Tiến cho rằng nếu không để xảy ra tham nhũng, thiếu trách nhiệm ở Vinashin làm thất thoát tới 107.000 tỉ đồng, thì chúng ta đã có thêm 214.000 phòng học, 107.000 nhà văn hóa hoặc 53.000 trạm xá; Chúng ta cũng không phải băn khoăn, trăn trở lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được 60.000 tỉ đồng. Cùng với tham nhũng, tình trạng lãng phí cũng gây ra những tác hại không kém.
Đó là hàng chục nghìn luận án khoa học được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng, xếp ngay ngắn trong thư viện hay các viện nghiên cứu nhưng chưa tới 30% được áp dụng vào thực tiễn; Đó là hàng triệu tấn xi măng, sắt thép đang dãi dầu, ế ẩm, lãng phí nhiều ngàn tỷ đồng do phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn xa; là hơn 250.860 ha đất thu hồi từ đất sản xuất của dân được giao cho 2.445 tổ chức rồi bỏ hoang hóa…
Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 được cho là có nhiều hạn chế, không bắt kịp thực tế đời sống, dẫn đến tình trạng tham nhũng nhiều nhưng số vụ được phát hiện rất ít. Đã thế, số vụ đưa ra xử lý lại càng ít hơn, chỉ bằng 0,6% số vụ phát hiện; Tài sản thất thoát do tham nhũng rất nhiều mà số lượng thu hồi về rất ít.
Số liệu của Tổng thanh tra Chính phủ cho thấy đã thanh tra 62.000 vụ, nhưng mới chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6%. Công tác phòng chống tham nhũng vẫn là nói nhiều làm ít, xử lý theo kiểu làm nhẹ dần tội trạng.
Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương khóa 11 đã chỉ ra rằng: “Công tác phòng chống tham nhũng lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành...gây bức xúc trong xã hội và thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.
Vì vậy, hoàn toàn có thể hiểu được vì sao phiên thảo luận về Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lại sôi nổi đến vậy. Là người đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng của cử tri, ý kiến tâm huyết của các đại biểu đã thể hiện thái độ cương quyết, yêu cầu cụ thể đối với Quốc hội và Chính phủ rằng: chống tham nhũng không thể chỉ bằng quyết tâm chính trị chung chung mà phải bằng những biện pháp đã được luật hóa.
Ngăn ngừa, chống tham nhũng, trừng trị tham nhũng bằng luật định và quan trọng là không để cho bất cứ một quyền lực nào có thể bẻ cong pháp luật, đứng trên pháp luật.
Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương sẽ được tổ chức lại khi trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban. Đây được xem là quyết định mang tính đột phá trong tư duy về chống tham nhũng.
Cử tri và nhân dân cả nước đang kỳ vọng vào Quốc hội trong việc thảo luận và hoàn thiện Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, để sau khi thông qua, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc giúp cơ quan phòng chống tham nhũng vận hành suôn sẻ và hiệu quả, ngăn chặn, bài trừ tận gốc tham nhũng, một thứ "quốc nạn" đang làm suy yếu đất nước./.