Không phải đến khi clip ghi cảnh giáo viên và học sinh của một trường THPT ở Bình Định thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau trong lớp học thì xã hội mới lo lắng về quan hệ thày trò xuống cấp. Nhiều năm trở lại đây, chuyện giáo viên mạt sát, đánh học sinh, rồi học sinh đánh giáo viên thỉnh thoảng lại xảy ra ở nơi này nơi khác. Có nhiều cách lý giải, nhưng không thể chối bỏ trách nhiệm của người lớn.

Xin phép không nói về mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc cụ thể và cũng không liệt kê số lượng, tần suất, bởi chúng tôi không muốn làm tăng thêm sự lo lắng, phẫn nộ của xã hội trước lối hành xử phản giáo dục ấy. Song, chúng tôi muốn nói về văn hóa gia đình, học đường, về quan hệ thày- trò, là những giá trị cốt lõi của toàn xã hội cũng như của từng cá nhân.

thay-tro-danh-nhau.jpg
Hình ảnh trong đoạn clip thày trò đánh nhau tại trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định 

Học đường - nhà trường, cùng với gia đình, là những thiết chế quan trọng nhất trong việc hình thành, giáo dục nhân cách cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Sẽ khó có quả ngọt nếu như gia đình và nhà trường không quan tâm chăm sóc, uốn nắn các em ngay từ tuổi mới lớn.

“Lành dữ do giáo dục mà nên”.Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn 70% tội phạm bạo lực xuất thân từ những gia đình phức tạp, có vấn đề. 2/3 số gia đình ấy có người mang tiền án tiền sự, buôn bán phi pháp, văn hóa ứng xử thấp, thường xuyên cãi cọ xung đột. Không ít gia đình giàu có, các thành viên trong đó có học vấn, địa vị cao, nhưng sống buông thả, ích kỷ, háo danh hoặc quá chiều chuộng nhau, cũng có thể là cái nôi phát sinh tội phạm.

Cùng với gia đình, giáo dục còn được thực hiện ở nhà trường, song hành với nhau, không thể nói ở nơi nào quan trọng hơn nơi nào. Ở nhà trường, trong quan hệ thày trò, người thày phải luôn luôn giữ tác phong mô phạm, giữ vai trò chủ đạo. Điều này không thể thay đổi, bất chấp sự đổi thay của xã hội. Bởi nếu người thày không giữ vai trò chủ đạo thì không còn quan hệ thày – trò. Vậy nên, khi học trò khiếu kiện, tố cáo, thậm chí đánh lại thày, bất kể nguyên nhân nào thì trước tiên người thày phải xem lại mình. Nhân cách của người thày còn cao thêm một bậc nữa nếu như khi xử lý vấn đề không kể đúng sai, mở rộng lòng đối với những sai phạm của học trò. Song, đáng buồn là nhiều năm trở lại đây, chuyện giáo viên mạt sát, đánh học sinh cứ thỉnh thoảng lại xảy ra ở nơi này nơi khác.

Tất nhiên, sau đó hầu hết giáo viên đều nhận trách nhiệm, nhưng thông thường lại kèm theo lời giải thích kiểu như vì bị áp lực quá lớn từ việc dạy học, từ cuộc sống gia đình, và từ nhiều bức xúc khác ngoài xã hội. Dù viện ra lý do gì đi nữa thì việc xúc phạm học sinh bằng lời nói hay xâm hại bằng chân tay đều không thể chấp nhận được, nó làm tổn thương nghiêm trọng đến tâm hồn các em.

Thày trước hết phải ra thày đã, mới có thể dạy trò cho ra trò được. Văn hóa của người Việt Nam ta trong nhiều trường hợp đặt vị trí của người thày còn cao hơn cha mẹ. Cha mẹ có thể mắng mỏ, thậm chí đánh đòn con cái, nhưng người thày thì không thể, không được làm như vậy với học trò. Cho dù đánh mắng, nhưng cũng chẳng có cha mẹ nào lại bắt con đứng giữa trời mưa rét để chào đón cấp trên của mình. Người thày càng phải ứng xử chuẩn xác hơn trong trường hợp ấy. Xã hội ta hiện nay có rất nhiều cánh cửa rộng mở, ai cũng có thể làm học trò, nhưng không phải ai cũng có khả năng làm thày. Làm thày mà không chấp nhận hy sinh, không bảo vệ được khuôn mẫu, không giữ gìn mô phạm thì nên chọn nghề khác.

Để thang giá trị cốt lõi đó không bị xáo trộn lẫn lộn, cần có sự quan tâm nhiều hơn của các nhà quản lý, có sự chung sức của từng gia đình, của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Làm sao để tạo điều kiện tốt hơn về đời sống vật chất cho người thày, để đội ngũ này giảm bớt gánh nặng lo toan hằng ngày, mới có thể tập trung tâm lực, trí lực cho sự nghiệp trồng người cao cả. Tuy nhiên, khi thực hiện việc đó cần tuyệt đối tránh xu hướng biến môi trường sư phạm thành thị trường bán mua./.