Ngày 3/10 vừa qua, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam công bố Quyết định số 149 ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam. Đồng hành trong suốt quá trình thành lập, xây dựng và phát triển của đất nước, sự kiện “có ngày truyền thống” là một vinh dự lớn đối với những người làm nghề luật sư, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm không hề giản đơn cho họ.

Trách nhiệm ấy được thể hiện trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, trách nhiệm với xã hội, và cao hơn cả là trách nhiệm bảo vệ pháp chế Xã hội Chủ nghĩa.

Ngay sau khi giành được độc lập, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ kiểu mới, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể luật sư. Điều đó cho thấy sự quan tâm và coi trọng nghề luật sư của người lãnh đạo tối cao; đồng thời cũng thể hiện mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào đội ngũ những người góp phần bảo đảm quyền cơ bản của con người là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Quan trọng nữa, là góp phần tích cực bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

luat-su-1.jpg
Liên Đoàn Luật sư Việt Nam công bố Quyết định số 149 ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 10/10 hàng năm (Ảnh: Phaplyonline)

Cho đến nay, sau gần 70 năm, nghề luật sư và đội ngũ luật sư đã ngày càng khẳng định được vai trò không thể thiếu trong các hoạt động tư pháp, trong đời sống xã hội. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giới luật sư và cũng là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ luật sư và nghề luật sư ở nước ta. Đó là vinh dự lớn lao đối với họ.

Nhưng vinh dự bao nhiêu thì trách nhiệm cũng lại lớn lao bấy nhiêu. Trong nền kinh tế thị trường và trong tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa luật sư càng phải khẳng định được uy tín và khả năng đóng góp cho đất nước. Điều đó trước đây đã đặt ra, nhưng giờ đây nó đòi hỏi yêu cầu cao hơn, mà nếu như không đáp ứng được thì có nghĩa luật sư không xứng đáng với trọng trách của mình. Như thế, đương nhiên luật sư không thể là người đại diện bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Trong các hoạt động tư pháp, trong đời sống xã hội, đặc biệt giai đoạn hiện nay, vai trò của luật sư, sự đóng góp của luật sư là vô cùng quan trọng. Thực tế đã cho thấy, sự hiện diện của luật sư trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trong các hoạt động tố tụng hình sự, dân sự; trong tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân ngày càng nhiều.

Nếu như luật sư không tự rèn luyện, không thực hiện đầy đủ quy định của Luật Luật sư; quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư thì chắc chắn, luật sư không thể là nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ pháp luật; góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật trong nhân dân, trong các lĩnh vực hoạt động xã hội.

Không nhiều, nhưng một số luật sư vì lợi ích cá nhân, thực hiện những hành vi trái đạo đức xã hội, trái đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật thời gian qua đã phần nào làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào đội ngũ luật sư, nghề luật sư; làm ảnh hưởng đến hình ảnh của luật sư với tư cách giúp các tổ chức, cá nhân lựa chọn hành vi ứng xử phù hợp quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm sự công bằng tư pháp.

Việc thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt Nam cũng là vấn đề không hề đơn giản. Theo Chiến lược này, đến năm 2020 phải có từ 18.000 đến 20.000 luật sư, trong khi hiện nay ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước mới chỉ có hơn 8.000 luật sư đang hành nghề. Cùng với việc tăng về số lượng thì đội ngũ luật sư cũng phải chú ý hơn về trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, phẩm chất chính trị đạo đức và có trách nhiệm trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho nhân dân, cộng đồng xã hội.

Vậy nên, vai trò của luật sư ngày càng được đánh giá cao hơn thì rõ ràng, gánh nặng trách nhiệm cũng trở nên nặng nề hơn. Gánh nặng ấy phụ thuộc vào từng luật sư nhưng cũng rất cần sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt là Liên Đoàn Luật sư Việt Nam với trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư. Chính vì vậy, để luật sư, nghề luật sư thực sự có uy tín trong đời sống pháp luật, đời sống xã hội; tránh mọi sự rủi ro, khó khăn cho luật sư khi hành nghề, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho luật sư; xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề luật sư; tạo môi trường thuận lợi cho luật sư là những điều kiện cần được Liên đoàn Luật sư thiết lập, xây dựng.

Vinh dự  khi Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống 10/10, các luật sư Việt Nam cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình để xứng đáng với niềm tin, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội./.