Thời gian gần đây, đã xảy ra hàng loạt vụ ném đất đá lên xe khách, tàu hỏa trên tuyến Bắc - Nam khiến nhiều người bị thương nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ném đá lên các phương tiện lưu thông đã xảy ra nhiều năm qua. Thế nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng này dường như chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao những người ném đá lại vô cảm trước nỗi đau của người bị ném đá?

kontum_mnre.jpg
Chiếc xe khách của nhà xe Ngọc Thông (Đắk Lắk) biển kiểm soát 75B-001.68 bị ném đá làm hư hỏng nặng (Ảnh: TTXVN)

Cách đây nhiều năm, đơn vị quản lý đường sắt Việt Nam, còn gọi là Tổng cục Đường sắt Việt Nam đã nhiều lần phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Em yêu đường sắt quê em” dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng để góp phần hạn chế bớt tình trạng ném đất đá lên tàu hỏa.

Kể từ khi phát động, hầu như năm nào phong trào này cũng được tổng kết, đánh giá. Không ít cá nhân thiếu niên, nhi đồng được coi là điển hình của phong trào này được biểu dương nêu gương, nhưng rút lại tình trạng ném đất, đá lên tàu vẫn không thuyên giảm. Rốt cuộc, ngành đường sắt phải tự cứu lấy mình, nghiên cứu lắp tấm thép trước những tấm kính. Những ô cửa được dùng để hành khách có thể ngắm cảnh đẹp ven đường, bây giờ đã được bịt kín lại.

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của dịch vụ vận tải hành khách đường dài bằng phương tiện là ô tô giường nằm, nạn ném đất đá gia tăng.  Đặc biệt từ đầu năm 2015 đến nay, số vụ ném đá lên ô tô khách tăng đột biến, làm không ít người bị thương rất nặng. Ít quốc gia nào trên thế giới, người đi trên các phương tiện giao thông công cộng đường dài như tàu hỏa hay ô tô khách lại bất an và thiếu an toàn như ở nước ta.

Ném đất đá lên ô tô khách gây thiệt hại cho nhà xe và nguy hiểm cho hành khách có thể do một vài nguyên nhân chính sau. Một là, do tính cạnh tranh cao thiếu lành mạnh, không ít các hãng xe tư nhân (đa phần là loại xe dù, xe cóc) đã dùng đất đá để cảnh cáo, hủy diệt các hãng xe khách. Đi liền với nguyên nhân này là hành vi của các đối tượng xin “đểu”, đồng lõa với các nhà hàng “cơm tù” xe khách đường dài. Và nguyên nhân khác là trò đùa tai hại, nguy hiểm “ném cho vui”, “thi nhau ném xem đứa nào giỏi hơn” của đám thanh, thiếu niên ít được nhà trường và gia đình quan tâm…

Tình trạng xe lửa và ôtô bị ném đất đá tiếp diễn là do luật pháp nước ta chưa đủ mạnh để răn đe. Thủ tướng Chính phủ đã quy định trách nhiệm cho Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng ném đất đá trên tàu, (và bây giờ là ô tô). Nhưng, tình trạng ném đất đá vẫn tăng, trong đó, các địa phương hay để xảy ra tình trạng này đã được xác định.

Không thể tha thứ cho những hành vi vô cảm của các đối tượng ném đất đá lên phương tiện chở khách đường dài. Để có thể chấm dứt tình trạng này có lẽ cần phải có những biện pháp xử phạt nặng hơn nữa, đưa một số đối tượng ném đá bị bắt giữ ra xử điểm, đồng thời tiếp tục quy trách nhiệm một cách sát sao với chính quyền địa phương, trường học, nơi thường xuyên có các vụ ném đá lên phương tiện vận chuyển mới có thể mong giảm bớt tình trạng này./.