Thời gian gần đây, nổi lên một số vụ việc người đi tàu hỏa hay xe khách Bắc - Nam, thậm chí là một số tuyến đường khác, bị ném đá gây thương tích.
Mới đây nhất, vào lúc 1h45 phút ngày 22/5, khi xe khách chạy đến khu vực ngã 2 xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thì bị các đối tượng dùng đá ném liên tiếp vào cả 3 xe làm vỡ nhiều cửa kính. Đã có 3 hành khách trên các chiếc xe này bị thương. Trong đó, có một trường hợp bị thương nặng là cháu Nguyễn Phan An Khang (23 tháng tuổi).
Câu hỏi vì sao người ta lại bị ném đá? Vì sao người ném đá lại vô tư hành động? Hàng loạt những sự vụ ném đá cho thấy một hành vi cần được giải mã.
Theo Phó Giáo sư tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, những người chủ động ném đá là những người trẻ và trẻ em dưới 18 tuổi là phần lớn. Đó là chưa kể một số người trưởng thành say xỉn hay nghiện rượu bia. Ngoài ra có thể kể đến một số cá nhân rủ rê nhau hay thách đố nhau theo kiểu tự khẳng định mình.
Liệu rằng người thủ ác sẽ ra sao nếu như không có những tác động giáo dục? Hay sự quan tâm từ cha mẹ? Sự răn đe về mặt tương tác xã hội? Hình phạt thích đáng hay đó là sự xử phạt từ pháp luật?
Không thể dung dưỡng những hành vi quá vô tư và ác tâm đến mức dã man như thế. Song song đó, cần nhấn mạnh rằng những cải tiến của đường sắt, đường bộ về rào chắn, về yêu cầu sử dụng kính chắn… sẽ không thể hiệu quả nếu người ném đá không bị bắt phạt bởi hành vi xấu, không bị phạt một cách thỏa đáng, không có những tác động mang tính giáo dục sâu sắc bởi các lực lượng khác trong xã hội…/.