Cuối tháng 3 vừa qua, các trận mưa đá liên tiếp “đổ bộ” xuống nhiều địa phương trong cả nước. Riêng tại tỉnh Lào Cai, trận mưa đá được ghép với 2 từ “kinh hoàng” vì kích thước viên đá quá to và hậu quả gây ra cũng khá lớn- làm 25 người bị thương. Liệu có mối liên hệ nào giữa mưa đá với hiện tượng biến đổi khí hậu?

Liên tiếp trong các ngày từ 20-30/3, báo chí phải tốn khá nhiều giấy mực để đưa tin về các trận mưa đá xảy ra từ Quảng Nam đến Thanh Hoá, Hà Tĩnh rồi Hà Giang, Lào Cai…. Nghĩa là mưa đá đã  “có mặt” từ miền Trung cho đến các tỉnh miền núi phía Bắc.  Hậu quả mưa đá gây ra thật sự  lớn, chỉ riêng trận mưa đá ở Lào Cai là khiến nhiều người phải lo lắng bởi kích thước viên đá to gần bằng chiếc cặp-lồng và mưa đá khiến 25 người bị thương. Đây là trận mưa đá được các chuyên gia nhận xét là có kích thước viên đá to nhất từ trước tới nay.

mua%20da.jpg
Nhiều ngôi nhà bị hư hỏng sau những trận mưa đá

Các chuyên gia khí tượng thuỷ văn khẳng định, đây hoàn toàn không phải là hiện tượng hiếm gặp, nhưng hầu hết những người bình thường đều cho rằng: đây là hiện tượng thời tiết bất thường. Bất thường là bởi nếu như khoảng 10 năm về trước, mưa đá là một hiện tượng vô cùng hiếm hoi thì ngày nay, mưa đá xuất hiện thường xuyên hơn. Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 3 mà xảy ra tới gần chục trận mưa đá.

Cũng bởi mưa đá xảy ra chỉ tập trung ở một số địa phương và một phần do điều kiện kinh tế còn khó khăn, cho nên chúng ta chưa thật sự quan tâm đầu tư những thiết bị dự báo mưa đá. Trên thế giới, các nước đã có thể xác định chính xác vị trí mưa đá xảy ra và có những thiết bị đánh tan những cơn mưa giông- gây mưa đá, thì ở Việt Nam, chúng ta chỉ có thể dự báo chung chung là sẽ có mưa đá ở vùng này, vùng nọ. Và như vậy, hậu quả do mưa đá gây ra, chúng ta chỉ biết hứng chịu chứ hoàn toàn chưa thể phòng tránh.

Mưa đá liên tiếp xảy ra cũng khiến nhiều người liên tưởng đến hiện tượng biến đổi khí hậu. Vẫn là một phép so sánh. Nếu như 10 năm trước, 2 từ mưa đá còn ít được nhắc đến và “biến đổi khí hậu” là khái niệm hoàn toàn xa lạ. Thì hiện nay, biến đổi khí hậu đã trở thành cụm từ quen thuộc vì chúng xuất hiện quá thường xuyên trên mặt báo và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Liệu có mối liên hệ nào chăng giữa mưa đá với việc xây dựng các công trình thủy điện tràn lan trên các dòng sông? Quá nhiều công trình thuỷ điện nhỏ được xây dựng trên cùng một dòng sông, làm thay đổi dòng chảy, cạn kiệt, làm các khu vực quanh đó liên tục bị khô hạn, thiếu nước trầm trọng. Có lẽ chưa năm nào như năm nay, hiện tượng khô hạn lại diễn ra một cách đáng lo ngại trên phạm vi cả nước. Ba miền đều phải gánh chịu hiện tượng khô hạn trầm trọng. Chính bởi khô hạn mới gây nên hiện tượng nắng nóng quá mức vào giữa tháng 3 và khi gió mùa đông bắc về, lập tức gây ra mưa đá.

Những ngày này nhiều địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng rồi Gia Lai và Phú Yên đều lên tiếng đòi thuỷ điện phải trả nước. Xây dựng quá nhiều công trình thuỷ điện nên các dòng sông bị nắn dòng khiến hạ lưu bị khô kiệt. Không lên tiếng làm sao được khi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chỉ lo thu lợi từ các công trình thuỷ điện mà lờ đi hậu quả mà các công trình này gây ra cho sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Và bởi vậy, đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất cho thấy: hiện tượng biến đổi khí hậu là do chính con người gây ra.

Và cũng bởi biến đối khí hậu mà những ngày qua, đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải về các tỉnh miền Tây để khảo sát tình hình về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đích thân Chủ tịch nước phải đi thị sát- đủ thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Và cũng từ chuyến khảo sát này cho thấy kịch bản về biến đổi khí hậu của Việt Nam không sát với tình hình thực tế, nghĩa là thực tế diễn ra nhanh hơn so với những gì mà chúng ta dự báo. Và rồi Trung ương đang tính đến việc phải ra một Nghị quyết về biến đổi khí hậu trong thời gian tới đây.

Biến đối khí hậu là một hiện tượng thiên nhiên nhưng một phần nguyên nhân rất lớn lại do chính con người gây ra, để rồi chính chúng ta phải ra tay khắc phục. Đó chẳng phải là điều rất đáng tiếc sao? Bởi vậy, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, cần dừng ngay những hành động phá huỷ môi trường, phá huỷ thiên nhiên, tàn phá rừng. Có như vậy mới mong tránh được những hậu hoạ đáng tiếc mà chúng ta phải gánh chịu về sau./.