Chỉ hai ngày trước khi kết thúc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất lùi việc thông qua Luật Đất đai 2003 sửa đổi vào kỳ họp sau, kỳ họp lần thứ 6 đang diễn ra tại Hà Nội.
Lùi lại bởi còn nhiều vấn đề cần đặt ra để có một văn bản quy phạm pháp luật về đất đai hoàn thiện, khắc phục những thiếu sót, bất cập và thực sự hữu ích để phục vụ cuộc sống. Trong đó, những tiêu điểm quan trọng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận nhân dân, các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội là vấn đề thu hồi đất, định giá đất, phương thức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chỉ khi nào giải quyết tốt những tiêu điểm ấy thì mới giảm bớt sự phức tạp và khiếu kiện về đất đai như thời gian qua.
Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ đảm bảo ổn định trật tự xã hội và lợi ích của nhân dân |
Mặc dù đã được chỉnh lý, bổ sung, đã có những quan điểm rõ ràng đối với các vấn đề dư luận quan tâm, nhưng trong 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến chưa thật đồng tình với quy định thu hồi đất của dự án Luật Đất đai sửa đổi. Cùng với đó là các quy định về định giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.
Mới đây, Liên minh Đất đai (LANDA) cũng đã tham vấn trực tiếp hơn 9.400 hộ gia đình và người dân tại 4 tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Quảng Bình và Long An, cùng với các cuộc thăm dò khác đã cho thấy sự quan tâm chủ yếu của người dân cũng là những vấn đề này. Họ mong muốn Luật Đất đai cần có những thay đổi toàn diện để làm sao giúp cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện quản lý xã hội, quản lý đất đai bằng pháp luật; đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong sử dụng đất đai. Có nghĩa, chính sách đất đai cần được minh bạch và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của người dân luôn được đảm bảo, công bằng.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ khiếu kiện về đất đai luôn ở mức trên dưới 70% và kéo dài từ năm này sang năm khác. Từ công tác quản lý, công tác cán bộ, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đến những bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; đặc biệt là mục đích thu hồi đất. Điều đáng ghi nhận, hầu hết người dân đều đồng tình với những trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng. Khi thực hiện các công trình với mục đích này, người dân không chỉ hoàn toàn tự nguyện mà còn sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ lợi ích chung. Nhưng họ lại rất băn khoăn, chưa thật sự đồng tình đối với các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội. Người dân có lý do khi đưa ra ý kiến này.
Bởi nếu không rõ ràng, minh bạch, việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội dễ bị lợi dụng, lập lờ giữa mục đích thương mại và mục đích công cộng, dẫn đến “lợi ích nhóm”, dẫn đến hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Bức xúc, khiếu nại, tố cáo của người dân, những bất ổn, phản ứng tiêu cực của người dân cũng từ đây phát sinh. Hơn nữa, nhiều trường hợp thu hồi đất vì mục đích này người dân hầu như không được tiếp cận thông tin, không được bàn bạc, tham khảo ý kiến để quyết định về giá cả đền bù cũng như những định hướng đảm bảo sinh kế. Do vậy, cái nhìn thấy rõ nhất là người dân bị thiệt thòi về quyền lợi, kể cả trước mắt lẫn lâu dài.
Thấy được bất cập này, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định tại Điều 62 với nội dung: Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước. Cùng với đó là các dự án sản xuất, kinh doanh; sự thỏa thuận của nhà đầu tư với người sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước không trực tiếp thu hồi đất; việc bồi thường bằng đất hoặc nhà ở khi thu hồi đất và việc định giá đất... Nhưng dù có thế nào thì việc lắng nghe thêm ý kiến của nhân dân, phân tích của các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội để có một văn bản luật quy định chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân khi thu hồi đất là điều phải được coi trọng.
Người dân, đặc biệt là người dân nghèo không có mong muốn gì hơn là được sống, được gắn bó lâu dài, được làm việc trên mảnh đất từ bao đời ông, cha để lại. Vì mục đích an ninh-quốc phòng, vì lợi ích chung của đất nước, họ đã không nề hà, không đòi hỏi thiệt hơn. Vì thế, đảm bảo quỹ đất, đặc biệt là đất nông nghiệp cho nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện cuộc sống cho những người có đất bị thu hồi là việc Nhà nước luôn phải tính đến.
Khi có luật điều chỉnh; khi cơ quan quản lý Nhà nước và người dân đều thực hiện nghiêm túc quy định của luật; khi người dân đã có cuộc sống ổn định, bền vững chắc rằng vấn đề quản lý và sử dụng đất đai không còn phức tạp, và khiếu kiện đất đai cũng vì thế mà giảm đi. Bởi thế, Luật Đất đai sửa đổi cần có sự thay đổi toàn diện với những quy định chặt chẽ, tiến bộ, phù hợp thực tiễn cuộc sống để góp phần thay đổi căn bản nhận thức, phương thức thực hiện; thể hiện vai trò của người dân trong tham gia các quyết định về đất đai, quản lý đất đai và giám sát việc thực hiện pháp luật đất đai, đảm bảo ổn định trật tự xã hội./.