Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức quán triệt Nghị quyết 19 về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới" và Nghị quyết số 24 về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".

Theo nhiều đại biểu, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19, nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, đẩy mạnh cái cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ về đất đai. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống quản lý đât đai theo hướng tiên tiến, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại. Việc quy hoạch sử dụng đất cần nâng cao tính liên kết đồng bộ giữa quy hoạch và kế hoạch sử dụng theo ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và đơn vị hành chính; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch sử dụng đất.

Với Nghị quyết 24 về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, các đại biểu nhất trí xác định nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh các giải pháp về xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho mọi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai Nghị quyết cần gắn với từng ngành, lĩnh vực của địa phương để tạo sự chuyển biến tích cực.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh: “Để sớm đưa các chủ trương của Nghị quyết vào cuộc sống, việc quán triệt và thể chế hóa nội dung là đặc biệt quan trọng nhằm tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động trong triển khai hành động. Vì vậy, trách nhiệm của ngành hết sức nặng nề. Trước hết là trong sửa đổi, bổ sung Luật, các văn bản dưới Luật, kiện toàn bộ máy từ trung ương đến cơ sở. Thực tế đòi hỏi, chúng ta cần nỗ lực, quyết tâm, và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nắm bắt những nội dung của nghị quyết để tham mưu cho UBND xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện phù hợp với điều kiện địa phương ”./.