Đây là lần thứ hai Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm để “đo đếm” mức độ tín nhiệm các vị cán bộ đang gánh vác trọng trách trước Đảng, trước dân. Có ý kiến nêu rằng, việc làm này của nước ta chưa nước nào làm cả; rằng nhiều bộ, ngành khi thực thi công việc đã rất khó khăn, vất vả nhưng lại bị “soi” rồi đưa lên bàn nghị sự để lấy phiếu; rằng khi được bổ nhiệm các chức danh đều đã phải trải qua một quy trình rất kỹ càng, chặt chẽ theo quy định.

Cũng có ý kiến cho rằng bộ nào, ngành nào, khi tổ chức thực hiện trong bối cảnh hiện nay của thế giới, của khu vực và trong điều kiện, thể chế của ta thì đều rất khó, vì muốn thực hiện công việc của bộ, ngành này đều có liên quan đến bộ ngành và địa phương khác, không thể “cắt khúc” ra để mổ xẻ, để đánh giá, thậm chí “quy chụp” rồi để lấy phiếu tín nhiệm…

thu_tuong_1_jpg_tr_jkja_okjh_fdok.jpgViệc bỏ phiếu tín nhiệm thu hút sự quan tâm của cả dư luận trong nước và dư luận quốc tế (ảnh: Quang Trung)

Tâm trạng chung của các vị trong danh sách được lấy phiếu tín nhiệm đều cảm thấy lo lắng với trách nhiệm của mình; sự pha trộn giữa trách nhiệm với quyền hạn, giữa kết quả công việc với sự điều hành của mình khi được đảm trách công việc, giữa những chính sách, những quyết định đưa ra của bộ, ngành mình với thực tiễn những vấn đề của cuộc sống, của người dân đặt ra trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, đa số các ĐBQH và đặc biệt là của cử tri cả nước thấy rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là rất tốt và có tác dụng rõ rệt. Lá phiếu của lần thứ nhất vào năm 2013 như nhắc nhở mỗi bộ, ngành rằng còn rất nhiều việc cần phải làm để sửa chữa, khắc phục. Nhiều bộ, ngành sau đó đã rất nỗ lực nên có những chuyển biến rõ rệt trong chỉ đạo, điều hành, đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, đi vào cuộc sống. Và cũng có những vị tuy thấy cần phải cố gắng nhưng lại không biết khắc phục như thế nào, bắt đầu từ đâu, giải quyết việc gì là trọng tâm, cấp bách. Người dân chưa thấy sự chuyển biến tích cực, chưa được hưởng lợi từ những chính sách, giải pháp đó.

Lá phiếu lần này cùng với kết quả được công bố đã nói lên trách nhiệm của ĐBQH trước nhân dân và cử tri cả nước; đó cũng là “cần thử biểu” để “đo” các vị cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời cũng thêm một lần nữa nhắc nhở, cảnh báo đối với trọng trách mà các vị lãnh đạo đó đang đảm nhận trong nhiệm kỳ.

Lá phiếu lần này cũng nói lên lòng dân đang kỳ vọng vào những vị cán bộ có số phiếu tín nhiệm chưa cao sẽ có những hành động quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời cũng mong muốn những vị tuy có số phiếu tín nhiệm cao song cần duy trì và phát huy những gì đã làm tốt cho xã hội, cho nhân dân; đặc biệt có những giải pháp căn cơ hơn, chiến lược hơn, giải quyết mối quan hệ giữa các bộ, ngành với địa phương đồng bộ hơn, nhịp nhàng, nhanh chóng hơn.

Có thể nói, nhân dân và cử tri cả nước rất hoan nghênh các ĐBQH đã thay mặt mình để thể hiện lá phiếu rất trách nhiệm, công tâm và khách quan, đồng thời cũng mong muốn việc hậu lấy phiếu tín nhiệm sẽ được giải quyết một cách thấu đáo.

Cử tri cũng tin tưởng rằng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được nghiên cứu, cải tiến, duy trì để có hiệu quả tốt hơn ở những nhiệm kỳ sau, góp phần cho công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị để xây dựng nước ta ngày càng công bằng, dân chủ, văn minh./.