Không chỉ những ngày gần Tết như bây giờ mà cả năm qua, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trở thành nỗi lo ngại của mỗi người, mỗi nhà, tác động hàng ngày hàng giờ đến sức khỏe người dân.

Cuộc họp giữa 3 Bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế mới đây một lần nữa báo động về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sự quản lý hết sức khó khăn trước sự hỗn loạn của thực phẩm bẩn trên thị trường.

Theo kết quả giám sát trong năm 2013 của 54 Chi cục An toàn thực phẩm trên cả nước với 24.000 mẫu thực phẩm thì có đến gần một nửa mẫu thực phẩm bị nhiễm bào tử nấm mốc. Tỷ lệ nhiễm các vi khuẩn gây tả và ngộ độc thực phẩm cũng khá cao, trên dưới 20%. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng khi mà năm qua, hàng loạt những vụ việc về thực phẩm bẩn, nhiễm chất độc xuất hiện ngày càng nhiều. Người tiêu dùng liên tục giật mình thon thót trước những thông tin như bún có chất huỳnh quang; rau tưới đẫm thuốc kích thích; nội tạng, thịt thối được “tắm trắng” tuồn ra thị trường; rượu tự chế gây chết người có chất độc gấp đến 2.000 lần cho phép…

 thuc-pham-1.jpg
Số nầm lợn tẩm hóa chất độc hại bị thu giữ

Đạo đức kinh doanh đã trở thành thứ quá xa xỉ, khi một phận người kinh doanh vì đồng tiền, vì lợi nhuận đã đang tâm tự hại cộng đồng mình.

Bây giờ nỗi lo có cơm, có thịt trong bữa ăn của đại đa số người dân hầu như không còn nhiều, nhưng nỗi lo để có rau an toàn, thịt sạch trong bữa ăn lại là chuyện khó. Nhiều người đã phải thốt lên: không ăn cũng chết mà ăn vào thì chết dần chết mòn!

Mỗi năm, cả nước có đến 15.000 người mắc căn bệnh ung thư. Và không sai nếu cho rằng, trong số hàng nghìn người nhiễm căn bệnh nan y này, một phần không nhỏ mắc bệnh là do hàng ngày họ sử dụng các thực phẩm còn tồn dư hóa chất gây độc.

Vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ tác động đến người tiêu dùng trong nước mà còn làm xấu đi hình ảnh nông sản Việt trong mắt khách hàng Quốc tế. Việc các thị trường châu Âu, Nhật Bản… liên tục cảnh báo về hàng rau quả nước ta vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hay thủy sản nhiễm dư lượng kháng sinh đã không những làm thiệt hại về mặt kinh tế mà hơn thế còn làm mất uy tín với các bạn hàng truyền thống.

Hiện nay, có tới 3 Bộ (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế) quản lý “mâm cơm” cuả người dân nhưng xem ra còn khá nhiều khó khăn, lúng túng. Việc kiểm soát sản xuất thực phẩm bị bỏ ngỏ, việc kiểm tra buôn bán trên thị trường thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Đến như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải kêu gọi sự hỗ trợ, giúp sức của các Bộ, ngành khác nữa khi cho rằng, việc giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay giao cho 3 Bộ làm không xuể.

Làm sao quản lý xuể khi các ruộng rau, ao nuôi vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo thói quen và tự ý của nông dân; khi người kinh doanh trong các lò mổ, các chợ ở từng thôn làng, ngách phố có tư duy vị lợi “sống chết mặc bay”. Và với cách làm đánh trống khua chiêng mỗi khi đến tháng hành động, lễ ra quân hoặc các dịp trung thu, lễ tết, các cán bộ vệ sinh an toàn thực phẩm, thị trường mới kiểm tra theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, thiếu các biện pháp xử lý dứt điểm… thì khó mà dẹp bỏ được triệt để thực phẩm bẩn.

Rõ ràng, cần có biện pháp xử phạt mạnh với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát “phải coi hành vi sản xuất thực phẩm bẩn là tội ác”, đã là tội ác thì phải trừng trị đích đáng, kiên quyết loại bỏ. Chứ không lẽ “chịu thua” với thực phẩm bẩn, để thực phẩm độc hại hàng ngày đầu độc sức khỏe người dân thì chính những cơ quan được trao quyền kiểm soát sẽ trở thành có tội./.