Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội, hiện cả nước có hàng chục ngàn doanh nghiệp đang nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền gần 10.000 tỉ đồng. Thực chất đây là hành vi chiếm đoạt tiền, bòn rút người lao động. Song, do chế tài xử lí nhẹ và việc thực thi còn vướng mắc nên nhiều doanh nghiệp vẫn ngang nhiên vi phạm pháp luật. Đã đến lúc cần có giải pháp mạnh đối với vấn đề này.

bao-hiem.jpg

Không hề quá lời khi nói hành vi chiếm đoạt tiền đóng bảo hiểm của người lao động là sự bòn rút người làm công ăn lương, bởi thực tế còn nghiêm trọng hơn thế. Trong số gần 10.000 tỉ đồng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, có khoảng 14% là của các doanh nghiệp Nhà nước, còn lại là của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ở nhiều nơi, người lao động vốn chỉ được nhận tiền công thấp hơn giá trị thực tế mà họ đóng góp, nhưng số tiền lương ghi trên hợp đồng để đóng bảo hiểm còn thấp hơn nữa. Đó đã là 2 lần họ bị bòn rút. Rồi trong những năm gần đây, lợi dụng khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp vẫn trích trừ tiền công của người lao động nhưng không nộp cho Bảo hiểm xã hội mà lại “bỏ túi” làm việc khác. Người làm công ăn lương lại thêm một lần bị bòn rút. Sổ bảo hiểm của họ không liên tục thì họ trông chờ vào đâu khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, hay nghỉ hưu?

Nói chung là vậy, còn thủ đoạn bòn rút của doanh nghiệp thì rất đa dạng. Có doanh nghiệp kê khai số lượng lao động ít hơn thực tế, nhưng cũng có doanh nghiệp kê khai nhiều hơn để trả tiền công thấp. Có doanh nghiệp sử dụng lao động thường xuyên lâu dài nhưng kê khai theo thời vụ để trốn đóng bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng tiền bảo hiểm với số lượng lớn nhưng sẵn sàng nộp phạt, thậm chí chấp nhận bị khởi kiện ra tòa, bởi chế tài trong lĩnh vực này còn quá nhẹ. Ở đây còn có nguyên nhân do việc kiểm tra, thanh tra chưa nghiêm. Rồi các ngân hàng không muốn trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp để đóng bảo hiểm theo qui định, vì ngại làm căng thẳng quan hệ với doanh nghiệp. Một số địa phương không kiên quyết xử lí doanh nghiệp nợ bảo hiểm, vì ngại ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư... Vậy là, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng, đã và còn tiếp tục đe dọa xâm phạm quyền lợi của hàng triệu lao động trong cả nước.

Mới đây, trong buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội và một số bộ ngành liên quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định : Không thể chấp nhận tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội nghiêm trọng kéo dài như thời gian qua. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng bổ sung chế tài đối với hành vi này, tăng nặng mức xử phạt, đưa vào luật qui định xử lí hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đó là một trong những giải pháp mạnh và lâu dài để bảo vệ người lao động. Còn trong lúc chờ sửa luật thì một số đề xuất đã được đưa ra và có thể thực hiện ngay, ví dụ như bắt buộc doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập của người lao động, thay vì chỉ dựa vào mức lương kí trên hợp đồng như hiện nay. Cơ quan quản lí, các cấp công đoàn và mỗi địa phương cũng cần kiên quyết hơn trong việc này. Cùng với đó, người lao động khi kí hợp đồng nên tìm hiểu thông tin kĩ càng và yêu cầu doanh nghiệp – người sử dụng lao động phải đáp ứng đầy đủ quyền lợi hợp pháp của mình.

Bảo hiểm xã hội là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội. Không thể để kéo dài mãi tình trạng doanh nghiệp “lách luật” bòn rút người lao động được, bởi sự phạm pháp ngang nhiên ấy xâm hại đến bản chất tốt đẹp của chế độ ta./.