Tết đã đến rất gần. Tết là niềm hy vọng của nhà nông vì có thể bán được nhiều sản phẩm với giá cao hơn ngày thường. Thế nhưng, trong những ngày cuối năm này, xen lẫn những câu chuyện vui lại là những câu chuyện buồn. Cùng trong phạm vi thành phố Hà Nội, trong khi nông dân trồng phật thủ ở Yên Sở đang nở nụ cười rạng rỡ vì có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ phật thủ hút hàng, được giá, thì tại làng hoa Tây Tựu, không ít nhà vườn rơi nước mắt vì hoa quá rẻ, bán như cho. Hai câu chuyện trái ngược đang phản ánh rõ ràng một thực tế: nông dân đang tự bươn chải mà thiếu đi sự liên kết, vai trò dẫn dắt từ một mắt xích quan trọng là doanh nghiệp.

Những năm gần đây, khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu thì nông nghiệp Việt Nam càng đứng trước nhiều thách thức về tính bền vững. Tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua vẫn chủ yếu theo hướng tăng diện tích, tăng vụ và thâm dụng các yếu tố đầu vào như: lao động, vốn, vật tư và và các nguồn lực tự nhiên khác. Còn nông dân- chủ thể sản xuất thì vẫn loay hoay, tự bươn chải và tự tìm hướng đi cho chính mình. Hệ quả không chỉ là khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thấp mà khi xảy ra các tình huống khó khăn về thị trường đầu ra, mọi rủi ro, nhà nông đều phải gánh chịu.

san_xuat_nong_nghiep_xnez.jpgảnh minh họa

Doanh nghiệp và nông dân vốn là 2 mắt xích chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là "đầu tàu", là động cơ, giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân. Còn nông dân là lực lượng sản xuất, cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, hai mắt xích này hoạt động gần như riêng rẽ, mạnh ai nấy làm. Không có tiếng nói chung, thiếu “đầu tàu” dẫn dắt, chuyện nông dân bị lép vế trong chuỗi giá trị là điều dễ hiểu.

Ngành Nông nghiệp đang bước vào giai đoạn triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu thông qua mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Và chuỗi giá trị- thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào những mắt xích trong chuỗi. Nếu những mắt xích này rời rạc và thiếu sự kết nối thì đồng nghĩa là sẽ kìm hãm sự phát triển của cả chuỗi giá trị.

Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: Cái khó của ngành Nông nghiệp hiện nay là kết nối sản phẩm của nông dân với thị trường. Và doanh nghiệp chính là cầu nối quan trọng. Thực tế hiện nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp quá ít, chỉ có 6%. Nếu không có doanh nghiệp tham gia, phối hợp cùng hợp tác xã, cùng các hộ nông dân và các thành phần kinh tế khác thì không thể có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Đây chính là vấn đề cần tháo gỡ.

Để mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thật sự mạnh, ngoài việc có năng lực tổ chức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thì điều kiện tiên quyết phải là các doanh nghiệp có tâm huyết, có trách nhiệm với nông dân và sự nghiệp phát triển nông nghiệp hiện đại. Về phía nông dân, phải phát triển được các trang trại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất. Nếu chưa làm được vấn đề này, ít nhất, nông dân phải hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã để đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng "làm ăn lớn" với doanh nghiệp. Xóa bỏ dần thói quen làm ăn tự phát.

Xét về tổng thể, chuỗi giá trị không thể hình thành và phát triển bền vững nếu các mắt xích rời rạc. Đặc biệt là giữa 2 mắt xích quan trọng là nông dân và doanh nghiệp. Bởi thế, cả doanh nghiệp và nông dân cùng phải hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực thi các hợp đồng liên kết. Đừng vì chút lợi trước mắt để doanh nghiệp phải nhỡ nhàng khi hợp đồng có mà thiếu đi nguyên liệu sản xuất và cũng đừng vì chút lợi trước mắt mà bỏ mặc nông dân một mình bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió./.