Những ngày qua, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng các phương tiện thông tin đại chúng khác liên tiếp thông tin về vụ ngộ độc rượu của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội làm chết 6 người ở Quảng Ninh. Đằng sau câu chuyện đó là mối lo lớn về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như độ tin cậy của nhiều loại hàng hóa bán trên thị trường, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những hàng hóa kém chất lượng vẫn được bày bán? Liệu người tiêu dùng có được bảo vệ, hay tiếp tục phải cố trở thành “Người tiêu dùng thông thái”?
Cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu và đã xác định được nguyên nhân làm chết người từ loại "rượu nếp 29 Hà Nội" là có việc pha "nhầm" cồn công nghiệp vào rượu bán ra thị trường (Ảnh: Dân trí) |
Có lẽ không cần nhắc lại những tình tiết của vụ việc này, vì các độc giả, thính giả đã theo dõi dòng thông tin liên tục những ngày qua đều biết đến cái chết thương tâm của 6 người đàn ông cùng hàng chục người khác phải điều trị trong bệnh viện do uống phải rượu độc mang tên “Rượu nếp 29 Hà Nội”.
Chính quyền hai địa phương: Quảng Ninh - nơi có những người chết vì ngộ độc rượu và Hà Nội- nơi Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, doanh nghiệp sản xuất loại rượu độc này, đặt trụ sở, đã có chỉ đạo làm rõ vụ việc này.
Cơ quan công an ở Hà Nội và Quảng Ninh cũng đã ra tay. Có ít nhất ba đối tượng bị bắt khẩn cấp là Nguyễn Duy Vường, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, Trần Xuân Mạnh và Đặng Văn Cảnh cùng là cán bộ phụ trách kỹ thuật sản xuất thuộc công ty này để điều tra tiến tới khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.
Điều cần nói ở đây là vấn đề lương tâm của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồ uống và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm đồ uống nói riêng, hàng hóa nói chung.
6 người chết, nhiều người phải nằm viện cấp cứu sau khi uống loại "rượu nếp 29 Hà Nội" |
Theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo Nghị định số 40/2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu và Thông tư số 10 của Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể thực hiện một số điều của Nghị định 40 thì tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng (đây là loại hình Nhà nước không khuyến khích); mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong đó nhấn mạnh, để được cấp giấy phép sản xuất rượu, người sản xuất phải có quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm rượu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; có các thiết bị để đo lường, kiểm tra chất lượng men rượu, hàm lượng đường, nồng độ cồn trong quá trình sản xuất…
Thế nhưng, giải thích lý do Rượu nếp 29 có hàm lượng methanol cao gấp 2.000 lần mức cho phép, đối tượng Nguyễn Văn Vường - Giám đốc Công ty 29 Hà Nội đổ tại cho việc “nhầm” giữa cồn công nghiệp với cồn thực phẩm. Liệu có sự “nhầm lẫn” chết người như vậy không, nếu công ty này tuân thủ đúng quy trình sản xuất và có đầy đủ thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng men rượu, hàm lượng đường, nồng độ cồn như quy định tại Nghị đinh 40? Và nếu như không có vụ việc này, sẽ có bao nhiều người bị đầu độc từ từ bằng rượu pha cồn công nghiệp, rượu không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm?
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, công dân trên 18 tuổi mới được phép uống và mua rượu, tất cả rượu đều phải được kiểm định ngặt nghèo, có tem nhãn đầy đủ. Thế nhưng, ở Việt Nam có vẻ như hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu đều đang bị buông lỏng. Các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngâm với đủ thứ không rõ công dụng và tác hại bán tràn lan. Ai cũng có thể mua và uống. Năm nào, cũng có một vài vụ tử vong do ngộ độc rượu, còn cấp cứu thì tới hàng trăm, nhưng rồi đâu lại vào đấy, người ta tặc lưỡi “Trời kêu ai nấy dạ”, cơ quan chức năng cũng chỉ làm quấy quá cho qua chuyện.
Ở đây, nếu như hành động sản xuất hàng hóa kém chất lượng, dẫn tới gây nguy hiểm cho tính mạng người tiêu dùng của một số chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần bị xã hội lên án, thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đóng gói, tiêu thụ cần được quy trách nhiệm rõ ràng. Nói một cách khác, để xảy ra những vụ việc đau lòng như vừa rồi, cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương sản xuất và nơi tiêu thụ cũng phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ.
Nếu như các công ty sản xuất, kinh doanh có lương tâm, tuân thủ đúng quy trình, nếu như cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật, thì không có những cái chết oan uổng như thế.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Đây là thời điểm sức mua tăng mạnh và cũng là cơ hội cho những kẻ táng tận lương tâm đưa vào thị trường những loại hàng hóa kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.
Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước ở từng địa phương cần làm hết trách nhiệm của mình trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và người tiêu dùng cũng như các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tích cực cung cấp thông tin về những vụ việc vi phạm để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Nếu không làm được như vậy, người tiêu dùng dù có thông thái đến mấy cũng đành phó mặc sự an toàn của cho số phận./.