Trong 5 ngày (từ 16 - 20/03/2014), tại Geneve, Thụy Sỹ diễn ra Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU lần thứ 130. “Làm mới cam kết vì hòa bình và dân chủ” là chủ đề tổng thể của kỳ họp lần này của cơ chế hợp tác nghị viện lâu đời nhất thế giới sắp tròn 125 tuổi; cùng nhiều vấn đề an ninh, hòa bình cụ thể khác. Theo quan điểm “Quốc hội là hiện thân của nền dân chủ”, các cuộc thảo luận tại IPU tập trung trao đổi và hợp tác để nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy và bảo vệ dân chủ.
Thiết lập nền dân chủ, hòa bình và hợp tác là mục tiêu là IPU đưa ra từ khi mới thành lập vào năm 1889. Và mục tiêu đó không ngừng được khẳng định và thực hiện. Chiến lược phát triển 2012-2017 của IPU với tiêu đề “Nghị viện càng hiệu quả thì nền dân chủ càng vững mạnh” càng khẳng định rõ mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ dân chủ.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng IPU |
Với mục tiêu và chủ đề tổng thể đó, trong 125 năm qua, Liên minh Nghị viện Thế giới là một diễn đàn quan trọng để trao đổi và thúc đẩy hợp tác giữa nghị viện của hơn 160 nước thành viên.
Tổng thư ký IPU Anders B.Johnsson đánh giá: “Liên minh nghị viện là diễn đàn quan trọng để thảo luận và trao đổi. Khi các thành viên cần, họ có thể nói chuyện với các thành viên khác, học hỏi ở nhau, trao đổi kinh nghiệm. Thường các nước gặp khó khăn trong một số vấn đề nào đó có thể hỏi chuyện những nghị sỹ của các nước khác. Các nghị sỹ là những người làm chính sách nên họ trao đổi rất thoải mái và thẳng thắn. Chúng ta cần những trao đổi mới để tìm những giải pháp đột phá cho những vấn đề tưởng như quá cũ và khó giải quyết".
Một lợi ích lớn nữa của hợp tác trong Liên minh nghị viện thế giới là chúng tôi cũng có những chương trình để giúp các nước nâng cao năng lực cho các nghị sỹ, trong nhiều vấn đề như bình đẳng giới, nhân quyền, nâng cao vai trò phụ nữ... Các lĩnh vực hợp tác là rất lớn và có rất nhiều cách khác nhau để đưa những cuộc trao đổi trong IPU triển khai thành công trong thực tế ở các quốc gia thành viên.
Trả lời PV Đài TNVN, Chủ tịch Hạ viện Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury cũng đánh giá cao hợp tác trong IPU: “IPU là diễn đàn duy nhất, nơi các nghị viện các nước khác nhau đến với nhau cùng đưa Quốc hội vào vị trí trung tâm trong việc thúc đẩy dân chủ, bảo vệ và hiện thực hóa những mong muốn của người dân. Đó là diễn đàn để trao đổi những vấn đề lớn để người dân các nước cùng quan tâm; những vấn đề lớn khu vực và toàn cầu…”.
Nhiều đại biểu đến với không gian văn hóa Việt Nam |
Đi vào cụ thể, lần này Đại hội đồng lần thứ 130 đã thảo luận về vai trò của các quốc hội góp phần vào việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới; thảo luận về phát triển đối phó với các nguy cơ, thách thức; bảo vệ quyền của trẻ em, đặc biệt là trẻ em phải di cư do chiến tranh và xung đột.
Vấn đề thúc đẩy và nâng cao quyền của phụ nữ, đặc biệt thúc đẩy vai trò của phụ nữ nắm quyền ở những cương vị quan trọng cũng được quan tâm tại Đại hội đồng và có phiên họp riêng các nữ nghị sỹ.
Về vấn đề này, Chủ tịch IPU Abdelwahad Radi nhấn mạnh: “IPU gắn chặt với việc thúc đẩy dân chủ và dân chủ ở đây bao hàm cả bình đẳng nam nữ, và không thể nào có dân chủ nếu một nửa thế giới là phụ nữ không tham gia và không có những quyền lợi đầy đủ vào các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội”.
Đối với Việt Nam, ý thức được tầm quan trọng của Liên minh nghị viện thế giới, chúng ta đã tham gia cơ chế này từ năm 1979 và nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong Ban chấp hành, trong đó có chức Phó Chủ tịch liên minh vào năm 2007.
Riêng thúc đẩy dân chủ là một vấn đề mà Quốc hội Việt Nam đặc biệt quan tâm. Phát biểu tại Đại hội đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: “Dân chủ là bản chất, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước Việt Nam. Việt Nam hy vọng IPU phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc đảm bảo và thúc đẩy dân chủ”.
Các vấn đề thảo luận và hợp tác của IPU cũng nằm trong những ưu tiên chính sách của Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh IPU tăng cường các nỗ lực của mình trong việc kêu gọi Quốc hội các nước đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề đối thoại và thúc đẩy nhân quyền, chống chủ nghĩa khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân, thúc đẩy an ninh và hòa bình khu vực cũng như thế giới, bảo vệ quyền cho phụ nữ và trẻ em…
Trong ngày làm việc cuối cùng, Đại hội đồng IPU lần thứ 130 vừa bầu Tổng thư ký mới kế nhiệm ông Anders B.Johnsson về hưu sau 16 năm giữ chức vụ này.
Lần đầu tiên trong lịch sử 125 năm tồn tại và phát triển, IPU có một Tổng thư ký là người châu Phi, ông Martin Chungong, người Camerun, đang là Phó Tổng thư ký. Ông Chungong sẽ chính thức giữ chức Tổng thư ký từ ngày 30/6 tới.
Phát biểu sau khi được bầu, ông Chungong nhấn mạnh: “Các vấn đề liên quan đến hòa bình và dân chủ đang nằm ở trung tâm của nhiều vấn đề lớn mà thế giới ngày nay đang phải đối phó. Người dân ở khắp nơi ngày càng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ phía các nghị viện và những người đại biểu của nhân dân. Cam kết của tôi là sẽ hỗ trợ các nghị viện vượt qua thách thức và đáp ứng đòi hỏi đó”.
Hai ứng cử viên nặng ký cho vị trí Tổng thư ký trước đó bao gồm cựu Tổng thư ký nhóm nghị sỹ hành động toàn cầu Shazia Z.Rafi và cựu nghị sỹ Bỉ Geert Versnick./.