"Đại hội đồng lần thứ 132 tại Việt Nam sắp tới sẽ ghi dấu ấn trong lịch sử của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU)" là lời khẳng định của Chủ tịch IPU. Lời khẳng định này cho thấy sự tin tưởng của liên minh cùng các nghị sỹ thành viên trên toàn thế giới trước việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU 132 vào tháng 3/2015. 

a2.jpg
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự IPU 130

Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong IPU cùng kế hoạch tổ chức được chuẩn bị trước và năng lực phát triển thuyết phục của Việt Nam trong thời gian qua là những cơ sở khiến bạn bè quốc tế tin tưởng vào khả năng tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam, dù lần đầu tiên đăng cai Đại hội đồng IPU.

Trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU lần thứ 130, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đã ký Bản Ghi nhớ về việc Việt Nam đăng cai Đại hội đồng lần thứ 132; công bố biểu trưng của IPU 132; triển khai một không gian văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc ngay giữa trung tâm hội nghị nơi diễn ra Đại hội đồng 130… Tất cả được các đại biểu thế giới tham dự IPU đánh giá cao sự chuẩn bị và công tác tổ chức của Việt Nam cho kỳ Đại hội đồng lần thứ 132. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV tại Geneve, Chủ tịch Hạ viện Bangladesh, bà Shirin Sharmin Chaudhury nhấn mạnh Bangladesh vui mừng và mong chờ học hỏi kinh nghiệm tổ chức của Việt Nam để sau đó có thể đề xuất đăng cai. Bà Chaudhury nói: "Tôi xin chúc mừng Việt Nam đã có sáng kiến đăng cai Đại hội đồng lần thứ 132 của IPU. Đó là sự kiện rất quan trọng và Việt Nam sẽ tổ chức thành công, để tất cả chúng ta có thể gặp gỡ, trao đổi về hợp tác trong nhiều lĩnh vực và tìm giải pháp thúc đẩy xa hơn". Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Thế giới trong nhiều năm qua, sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế là những cơ sở quan trọng để các đại biểu IPU tin tưởng vào khả năng tổ chức của Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội Bangladesh tặng quà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam

Ý thức được tầm quan trọng của cơ chế hợp tác đa phương lâu đời nhất thế giới này, Việt Nam đã gia nhập liên minh từ năm 1979 và từ đó đến này luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá cao.

Việt Nam cũng nhiều lần nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong IPU, trong Ban chấp hành – cơ quan lãnh đạo cao nhất của IPU cũng như được bầu làm Phó Chủ tịch IPU vào năm 2009. Việt Nam dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho các nội dung và mục đích hoạt động của IPU như thúc đẩy dân chủ, hòa bình và phát triển trên thế giới, thúc đẩy vai trò và quyền của phụ nữ và trẻ em …

Ông Franklin Drilon, thành viên Ban chấp hành IPU đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam: "Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 132 chứng tỏ sự lớn mạnh trong hợp tác quốc tế của Việt Nam nói chung và hợp tác nghị viện nói riêng. Tôi rất vui được làm việc với phía Việt Nam tại IPU và rất trông đợi Đại hội đồng sắp tới tại Việt Nam".

Về Đại hội đồng lần thứ 132, các nghị sỹ thế giới đánh giá nước chủ nhà Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản từ công tác tổ chức hậu cần đến nội dung cho Đại hội đồng vào tháng 3/2015.

Ấn tượng khi đến thăm Không gian văn hóa Việt Nam được trưng bày tại Đại hội đồng 132, ông Ahmed Obaid Al Mansoori - Thành viên Hội đồng liên bang quốc gia Các tiểu vương quốc A rập thống nhất khẳng định: "Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và năng lực phát triển cùng cơ sở hạ tầng tốt nên là một trong những địa điểm tốt nhất để tổ chức Đại hội đồng lần 132 sẽ thành công. Nền văn hóa truyền thống của Việt Nam rất tuyệt vời. Chúng tôi dành toàn bộ sự ủng hộ cho Việt Nam – đất nước mà chúng tôi có nhiều hợp tác hiệu quả".

Không gian văn hóa Việt ở IPU 130

Chủ tịch IPU Abdelwahad Radi nói: "Chúng tôi chắc chắn là Đại hội đồng 132 sẽ thành công vì chúng tôi hiểu Việt Nam có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, dành nhiều thời gian công sức cho việc chuẩn bị. Do đó tôi tin rằng việc tổ chức kỳ đại hội 132 tại Việt Nam sẽ ghi một dấu ấn quan trọng trong trang sử của IPU. Việt Nam đã lựa chọn một chủ đề quan trọng là chiến lược phát triển hậu 2015 cho hội nghị, đúng vào lúc cả cộng đồng thế giới phải suy nghĩ và triển khai chiến lược này. Việc chuẩn bị những quyết định cho sự phát triển hậu 2015 không chỉ là công việc của các chính phủ mà còn có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan nghị viện. Do đó, IPU 132 sẽ là diễn đàn hữu ích để trao đổi chủ đề này".

Ông Turekhanov, thành viên đoàn đại biểu Kazhastan bày tỏ tự hào khi một quốc gia châu Á là Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU 132: "Việt Nam là quốc gia phát triển mạnh mẽ và tôi tự hào hai nước chúng ta đều là châu Á và sự tổ chức của Việt Nam giúp chúng tôi tự hào. Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế và trong tương lai Việt Nam sẽ phát triển nổi bật hơn nữa. Chủ đề về phát triển bền vững đang mang tính thời sự cao và cần thiết cho mọi quốc gia thành viên, trong đó có Kazhastan chúng tôi".

Cùng chung ý kiến đánh giá cao chủ đề mà Việt Nam đã lựa chọn cho Đại hội đồng lần thứ 132, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Anders B.Johnsson nhấn mạnh: "Tôi cho rằng chủ đề IPU 132 gắn chặt với những gì thế giới thực sự cần trong năm 2015 là nghị trình phát triển mới cho cả thế giới sau các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ sẽ là phát triển bền vững. Do đó chủ đề mà Việt Nam lựa chọn thực sự quan trọng, đúng thời điểm, cho phép các nghị sỹ trên khắp thế giới có thể đóng góp ý kiến và hỗ trợ vào quá trình triển khai nghị trình này. Điều đó cực kỳ quan trọng. Đại hội đồng ở Hà nội sẽ giúp các thành viên IPU thảo luận và đưa ra những ý kiến và đạt được thỏa thuận mạnh mẽ để IPU đóng vai trò tích cực vào nghị trình tương lai của thế giới".

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng 132 sẽ giúp tạo một diễn đàn quan trọng để các nghị sỹ, các nghị viện thành viên trao đổi về chiến lược phát triển hậu 2015 mà cả thế giới đang chú trọng; cũng như giúp nâng cao tiếng nói của nhóm các quốc gia châu Á trong Liên minh Nghị viện Thế giới.

Đối với Việt Nam, tổ chức thành công sự kiện này sẽ giúp nâng cao vai trò của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao trên thế giới; tăng cường quan hệ ngoại giao nghị viện với nhiều đối tác, mở rộng giao lưu với cộng đồng quốc tế - nhất là các đối tác ta ít có dịp tiến hành các hoạt động đối ngoại song phương. Ngoài ra, đây sẽ là dịp đặc biệt để chúng ta quảng bá rộng rãi và hiệu quả về mọi mặt của Việt Nam với quốc tế, góp phần thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch./.