Gia đình là tổ ấm, là nơi mang lại sự bình yên, là nơi gửi gắm bao niềm khát khao hạnh phúc của người phụ nữ. Tuy nhiên trên thực tế, niềm mơ ước nhỏ nhoi, giản dị ấy dường như vẫn còn khá xa vời với một số chị em. Bởi theo số liệu thống kê, có tới 58% phụ nữ từng bị bạo lực gia đình, bao gồm cả bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục. Đặc biệt, khoảng 5% phụ nữ mang thai cho biết từng bị đánh đập trong thời gian thai sản.

anh-dai-dien.jpg
Những người phụ nữ này từng là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình

Thực tế cho thấy, bạo lực gia đình hiện đang là một vấn đề gây nhức nhối xảy ra ở cả thành thị và nông thôn dưới nhiều hình thức. Theo Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới. Chế độ phụ hệ, tư tưởng trọng nam khinh nữ là hầu như mặc nhiên cho phép tính gia trưởng của nam giới tồn tại. Trong gia đình, người vợ luôn luôn phụ thuộc vào chồng mình. Nên khi xảy ra bạo hành, vì tâm lý muốn giữ cho gia đình yên ấm, muốn bảo vệ con cái khỏi sự dị nghị của dư luận, chị em thường nhẫn nhịn, thậm chí nhiều người coi việc bị bạo hành như một phần của cuộc sống mà người phụ nữ phải chấp nhận. Song họ đâu biết rằng, chính sự im lặng của phụ nữ là nguyên nhân tạo ra những cơn sóng ngầm về bất bình đẳng giới.

Ngày nay, khi kinh tế phát triển, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội đã có nhiều thay đổi, nhiều chị còn thành đạt hơn cả nam giới. Thế nhưng, thực tế cho thấy, không vì thế mà phụ nữ hết bị ngược đãi.  Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có khoảng 8.000 vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Còn một kết quả nghiên cứu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì cho biết có tới 72%  số vụ xung đột có nguyên nhân từ sự mặc cảm của những ông chồng khi cảm thấy địa vị trụ cột gia đình của mình bị lung lay.

Bạo lực gia đình để lại những hậu quả hết sức tiêu cực: 87,5% số vụ gây tổn hại về sức khỏe, thể chất; 89% gây tổn thương về tâm lý, tinh thần, 90% gây tan vỡ gia đình; 89% gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội;  91% ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, gây mất niềm tin vào gia đình, dẫn đến chán học, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp luật.

Hôn nhân gia đình là mối quan hệ có tính đặc thù, cho nên phương pháp xử lý hậu quả cũng không giống với những mối quan hệ dân sự khác. Vì vậy, làm tốt công tác tuyên truyền, đề cao truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, phân tích rõ nguyên nhân, tác hại của bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới, chống phân biệt địa vị… được xem là giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử, tiến đến xóa bỏ bạo lực gia đình. Những hành vi bạo lực gia đình, ngược đãi phụ nữ cần phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật, nhằm bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho phụ nữ.     

Cùng với việc hoàn thiện các thiết chế gia đình bền vững, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể các cấp cần xây dựng quy chế, quy ước, tích cực tham gia hòa giải nhằm hạn chế những mâu thuẫn có thể phát sinh thành xung đột, tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững./.