Thông tin bắt đầu từ năm 2014, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) dừng tuyển sinh 207 ngành trình độ đại học (ĐH) của 71 cơ sở đào tạo khi mà chỉ còn 2 tháng nữa, thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ và hơn 4 tháng kỳ thi diễn ra đang khiến dư luận xã hội quan tâm. Điều đặc biệt là 207 ngành ĐH bị dừng tuyển sinh khiến hàng nghìn học sinh, sinh viên đã, đang và dự định sẽ theo học các ngành nghề bị “tuýt còi” hết sức hoang mang, lo lắng.
Đây là lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT tuyên bố đình chỉ tuyển sinh một số lượng lớn ngành đào tạo ĐH không đảm bảo chất lượng và đáp ứng được các điều kiện quy định.
Việc đình chỉ hàng trăm ngành đại học khiến nhiều học sinh, sinh viên hoang mang, lo lắng (ảnh minh họa) |
Theo như giải thích của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc thực hiện thanh, kiểm tra và đình chỉ tuyển sinh những ngành ĐH không đảm bảo chất lượng là quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Vì vậy, Bộ tập trung chuyển mô hình phát triển giáo dục ĐH từ chú trọng phát triển quy mô sang đảm bảo chất lượng.
Việc rà soát và dừng tuyển sinh các ngành đào tạo không đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng nằm trong kế hoạch tổng thể của Bộ GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp phù hợp với yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Động thái này cũng là lời cảnh báo đối với các trường ĐH, CĐ trên cả nước trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và chú trọng đến đổi mới trình độ của giảng viên.
Lời giải thích của lãnh đạo ngành GD-ĐT không có gì gây ngạc nhiên gây những trường học, ngành nghề nào đào tạo không đảm bảo chất lượng thì tất nhiên phải bị đình chỉ. Tuy nhiên, nếu như ngay từ khi cho thành lập trường, mở mã ngành, Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm túc việc thanh, kiểm tra và cương quyết chỉ cho những trường nào có đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và trình độ giáo viên... thì đâu đến nỗi có quá nhiều ngành ĐH (chưa kể những ngành thuộc hệ CĐ) bị dừng tuyển sinh như hiện nay.
Có thể nói, hơn 200 ngành ĐH bị dừng tuyển sinh vì không đáp ứng điều kiện đào tạo theo quy định là một sự lãng phí lớn về ngân sách, kinh phí từ khi cho thành lập trường, mở mã ngành, đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng giảng viên... Con số này nếu tính ra có thể lên đến nhiều tỷ đồng.
Thế nhưng, thiệt hại không thể đo đếm được lại là chính những sinh viên đã và đang theo học những ngành nghề bị “tuýt còi”. Sau 4-5 năm mất thời gian và tiền của đi học, đến khi cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH, họ không thể xin được việc làm hoặc phải làm những việc trái ngành nghề, không phù hợp…
Đặc biệt là những năm gần đây, một số địa phương đã tỏ rõ thái độ ngoảnh mặt, quay lưng với một số trường học, ngành nghề, hệ đào tạo mà theo họ là không tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều này khiến hàng trăm sinh viên tốt nghiệp lo lắng, không biết tương lai sẽ đi về đâu. Còn nhiều học sinh rơi vào tình thế hoang mang trong việc chọn ngành nghề khi mà thời gian hết hạn nộp hồ sơ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ còn 2 tháng nữa.
Trong tuyên bố đình chỉ 207 ngành tuyển sinh ĐH không đảm bảo các quy định đào tạo đề ra, Bộ GD-ĐT cũng đã nhấn mạnh đến việc cho các trường cơ hội đến ngày 31/12/2015, nếu những nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh được khắc phục, cơ sở đào tạo phải báo cáo về Bộ để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại.
Hết thời gian trên, Bộ GD-ĐT sẽ thu hồi quyết định cho phép đào tạo của những ngành chưa khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ. Động thái này được xem như là việc làm cương quyết, cứng rắn của Bộ nhằm chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục ĐH, CĐ và thanh lọc những cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng giáo dục và lợi ích người học, vì sự phát triển xã hội.
Tuy nhiên, sau vài ba năm “dễ dàng” cho thành lập trường, khi đình chỉ hàng trăm ngành học, có thể rất nhiều trường đứng trước nguy cơ không có sinh viên theo học hoặc phải “đóng cửa” vì không đủ điều kiện tuyển sinh, vì có gần hết ngành học nằm trong danh sách “đen” của Bộ và vì mất lòng tin của nhân dân… Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về hậu quả đáng buồn trên?
Hiện tại, trong dư luận xã hội vẫn đang có những ý kiến khác nhau về quyết định “mạnh tay” của Bộ. Nhiều người trông đợi, hy vọng việc làm của Bộ sẽ thay đổi diện mạo chất lượng giáo dục ĐH, CĐ nói riêng, hệ thống giáo dục đào tạo nói chung./.