Diễn biến giá xăng dầu trong nước sẽ theo chiều hướng nào - khi hầu hết các phân tích cũng như dự báo về giá dầu thô trên thị trường thế giới đã không đúng và đang không tuân theo quy luật nào cả. Lợi ích của cả Nhà nước và Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liệu có gặp khó? Quyền lợi của Người tiêu dùng liệu có được đảm bảo nếu thiếu cả các giải pháp mạnh từ cơ chế pháp lý để điều hành giá xăng dầu đến việc kiểm soát giá các mặt hàng “ăn theo” giá xăng dầu… là các vấn đề đặt ra.

xang_dau_tr_yfeg.jpg
Ảnh minh họa
Giá bán các sản phẩm xăng dầu tại thị trường nội địa đang được giữ ổn định, chưa có sự điều chỉnh tăng hay giảm trong vòng một tháng trở lại đây (kể từ lần điều chỉnh giảm giá xăng sinh học E5 - hôm 5/2/2015 - và giữ nguyên giá bán các loại xăng, dầu truyền thống như tại thời điểm ngày 21/1/2015 ). Cùng thời điểm này, cả giá dầu thô cũng như giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới đã có sự đổi chiều - tăng khá mạnh. Trong khi chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu tới hơn 70% nguồn cung và 30% lượng xăng dầu sản xuất trong nước cũng được tính toán hoàn toàn theo giá thế giới, giới phân tích thị trường đặt câu hỏi: phải chăng chúng ta lại tiếp tục can thiệp thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính thay vì phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của thị trường đã được quy định tại Nghị định số 83/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ đầu tháng 11/2014)?!

Nhìn vào cách thức điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công thương, trong Thông báo phát đi ngày 24/2/2015, cho thấy, nếu tính theo chu kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu (từ 9-23/2), giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới đã tăng khoảng 15% đến hơn 20% (tùy loại). Thế nhưng, để “ổn định kinh tế vĩ mô, tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán và… ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường”, liên Bộ Tài chính - Công thương đã quyết định giữ ổn định giá bán các mặt hàng xăng dầu thông qua việc điều chỉnh mức trích/lập quỹ bình ổn giá các mặt hàng này.

Cụ thể, đã trích tới 1.350-2.448 đồng/lít xăng, dầu - là mức cao nhất, lần đầu tiên được xác lập sau 7 năm - kể từ khi có Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu không trích xả quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể sẽ phải tăng tương ứng (từ gần 1.500 đến khoảng 2.500 đồng/lít).

Có những quan điểm đồng tình với cách điều hành này của cơ quan quản lý và ủng hộ sự tồn tại của “Quỹ bình ổn giá xăng dầu”. Song, cũng không ít ý kiến khẳng định, thị trường xăng dầu vẫn chưa có biến chuyển mạnh mẽ, thậm chí, việc can thiệp theo kiểu “ghìm giá” này đã thể hiện rõ sự “phi thị trường”, không tuân thủ theo Nghị định 83/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tự quyết của doanh nghiệp và quy luật có tăng/có giảm theo đúng nguyên tắc căn bản giá của thị trường.

Nhiều quan điểm còn khẳng định, nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục chiều hướng tăng, quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ có thể giúp “ổn định giá” thêm được một khoảng thời gian ngắn nữa, trong khi các vấn đề liên quan đến cam kết hội nhập, cụ thể như Việt Nam sẽ bắt đầu phải thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ năm nay - nếu không sớm xây dựng và hoàn thiện, đồng bộ các công cụ quản lý một cách hữu hiệu và phù hợp với các nguyên tắc thị trường để quản lý, điều hành mặt hàng vốn đã rất nhạy cảm này thì rất khó đảm bảo có được một thị trường xăng dầu cạnh tranh và hội nhập.

Còn nhớ, thời điểm năm 2008 - khi giá các mặt hàng năng lượng giảm sâu, giới phân tích khẳng định, đây là cơ hội tốt để thị trường hóa cũng như cải cách thể chế điều hành thị trường năng lượng ở Việt Nam. Nghị định 84/CP về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường đã được xây dựng và ban hành ở thời điểm đó. Thế nhưng, thị trường xăng dầu có thể nói là đã không may mắn, khi chỉ sau đó không lâu, giá năng lượng đổi chiều - và việc điều hành giá theo Nghị định 84 cũng không được bao lâu (chỉ sau 3 tháng) đã bộc lộ rõ những bất cập nội sinh. Sự can thiệp thông qua các mệnh lệnh hành chính đã chi phối thị trường xăng dầu.

Nghị định 83 thay thế Nghị định 84 có hiệu lực từ đầu tháng 11/2014 lại được coi là một may mắn hiếm gặp - khi quá trình thực thi sứ mệnh của nó cũng rơi vào thời điểm giá năng lượng đổi chiều, theo hướng giảm và giảm sâu. Vì thế, sau gần 5 tháng có hiệu lực, Nghị định 83 được thực hiện chức năng điều hành thị trường theo hướng “hợp lòng dân” và đúng quy luật giảm. Đây cũng là thời điểm mà giới phân tích khuyến cáo các nhà điều hành vĩ mô, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện các khung khổ pháp lý cơ bản cho một thị trường xăng dầu ở nước ta.

Cũng đã có các cơ chế thuận lợi ban đầu dành cho xăng sinh học E5 được thực thi. Việc đề xuất nâng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cũng được cho là cần thiết, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và cam kết giảm thuế theo Hiệp định ATIGA, đồng thời, tạo sự chênh lệch hợp lý giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng để khuyến khích người dân sử dụng xăng, dầu sinh học. Thế nhưng, đề xuất này cũng được nhiều quan điểm cho rằng đã “chậm chân” so với diễn biến khó lường của thị trường xăng dầu.

Trong bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã và đang có chiều hướng tăng trở lại, giới phân tích nhận định: cơ hội giảm sâu như thời gian qua là khó có thể xảy ra thêm lần nữa. Nhưng Việt Nam không có con đường nào khác, vẫn phải mạnh mẽ và quyết liệt trong việc xây dựng và hoàn thiện các khung khổ pháp lý theo hướng tuân thủ và tôn trọng các nguyên tắc của thị trường.

Cần mạnh dạn phân tích, mổ xẻ, gỡ bỏ các loại thuế chồng thuế, phí chồng phí trên mỗi lít xăng, dầu như hiện nay. Các công cụ điều hành giá phù hợp với thông lệ quốc tế, thì dù muộn vẫn hơn không, phải làm và làm bằng cả quyết tâm chính trị, vì sự ổn định vĩ mô, lâu dài và bền vững!./.