Sau gần 4 thế kỷ du nhập vào Việt Nam, đến nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã phát triển và có nhiều đóng góp thiết thực để đồng hành cùng dân tộc. Đặc biệt với phương châm mến Chúa, yêu người, những công dân – công giáo Việt Nam đã thể hiện tinh thần hiệp thông và chia sẻ bằng tấm lòng yêu người, xây dựng lối sống mới, lối sống diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống của dân tộc.

Đức tin của người Công giáo phù hợp với dân tộc Việt Nam đã được các tín hữu Kitô giáo nuôi dưỡng và phát huy trong cuộc sống hàng ngày. Thư chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 1980 đã chỉ rõ, Hội thánh vì loài người và Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, những người Kitô hữu quyết tâm gắn bó với vận mệnh quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước.

2012-12-021.jpg
Người Công giáo thủ đô rộn ràng chuẩn bị đón Noel

Những năm qua, đại đa số đồng bào Công giáo đã thực hiện theo đúng đường hướng ấy và xây dựng cho mình một lối sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc. Điều này cũng được khẳng định trong điều mà Cộng đồng Vatican II tuyên bố: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm triệt tiêu, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người”.

Chính vì vậy, trong đời sống thường ngày của những người Kitô hữu, họ đã sống và hiệp thông với lối sống ấy. Không có gì ngạc nhiên khi thấy rằng, trong các họ đạo, dòng đạo có đông đồng bào Công giáo sinh sống, tỷ lệ người vi phạm các tệ nạn xã hội rất ít. Những phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nơi dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… đã được đông đảo bà con giáo dân hưởng ứng. Đã có nhiều tấm gương điển hình của các linh mục, ông trùm hay tín hữu đi đầu trong các phong trào này.

Và khi những người Công giáo tham gia vào những phong trào này, họ đã thực hiện công việc bằng chính tâm hồn và bản chất bác ái của chính mình. Xin được viện dẫn tâm sự của một ông trùm tiêu biểu làm cán bộ Mặt trận của Hà Nội rằng, công việc Mặt trận với công việc mục vụ chẳng khác nhau là mấy. Bởi người Công giáo luôn giữ chan hòa, yêu thương bác ái, không được phép giận dữ, chấp tội ai. Mỗi người dân Chúa phải có tinh thần dấn thân vì cộng đoàn. Âu đó cũng là tinh thần hiệp thông của người Công giáo.

Không những thế, với mỗi người con dâng Chúa, họ còn sống theo Bí tích Thánh thể, nghĩa là trở nên tấm bánh được bẻ ra cho một thế giới mới. Người Công giáo đến với tha nhân, để an ủi, động viên người lao nhọc, chia sẻ cơm bánh cho những người đói, khát, khiêm nhường phục vụ những người bất hạnh.

Vì lẽ đó mà trong những năm qua, nhiều tổ chức, nhà thờ, dòng họ ở khắp mọi nơi trên Tổ quốc đã nhường cơm sẻ áo, cùng chia sẻ những khó khăn với người nghèo. Mỗi khi nghe được tin địa phương này hay địa phương khác bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ, họ nhiệt tâm giúp đỡ như thể là người anh em. Sự chia sẻ này không tính toán, không kể công và cứ lặng lẽ như vậy.

Tinh thần hiệp thông và chia sẻ của đồng bào Công giáo đã thể hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần đoàn kết, thương yêu của người Công giáo theo đường hướng mục vụ của Giáo hội Việt Nam và luôn đồng hành, gắn bó cùng dân tộc./.