Theo Thanh tra Chính phủ, có 481 trong tổng số 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài được giải quyết sau 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Thế nhưng, trong số 481 vụ việc thì có đến gần 1/3 vẫn chưa dứt điểm. Thực tế ấy cho thấy, tính phức tạp, khó khăn của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời bộc lộ những vướng mắc từ cơ chế thực hiện, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bởi vậy, xác định rõ trách nhiệm, đảm bảo tính công khai, minh bạch và dân chủ để giải quyết dứt điểm 47 vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài còn lại, từ nay đến khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực pháp luật vào ngày 1/7/2014 là yêu cầu của Chính phủ đối với ngành Thanh tra và các địa phương. Đó cũng là yêu cầu nhằm xây dựng một nền hành chính thực sự phục vụ nhân dân.

Không chỉ riêng con số 47 vụ việc còn lại trong số 528 vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài, những tháng đầu năm nay, số lượt người, số đoàn khiếu kiện đông người vẫn tiếp tục gia tăng. Nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó có từ phía cơ quan chức năng; có từ phía người dân; có những bất cập của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhưng căn bản vẫn là yếu tố về cơ chế thực hiện, con người thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo.

khieu%20nai%20to%20cao.jpg
Cán bộ địa phương tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân (Ảnh: Dân trí)

Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người, cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Nhưng thực tế, những quy định này không được thực hiện đầy đủ, nhiều người, cơ quan có trách nhiệm chưa thực sự coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy mới còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, không giải quyết dứt điểm vụ việc. Vậy nên mới có con số 528 vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài nhiều năm gây bức xúc, ức chế trong nhân dân.

Chính bởi vậy, sau khi kiểm tra, rà soát và yêu cầu giải trình, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải làm rõ và giải quyết có kết quả các vụ khiếu kiện này. Bởi một khi những bức xúc của người dân không được giải tỏa kịp thời sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy, sẽ bùng phát những hành vi vi phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bất ổn trật tự xã hội.

Một nguyên nhân nữa dẫn tới còn nhiều vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài cũng khởi nguồn từ phía những người, cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Đó là việc chưa minh bạch, công khai những thông tin cần thiết cho người dân, chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Người dân không đòi hỏi gì hơn khi nguyện vọng chính đáng được đáp ứng, khi những thắc mắc, nghi vấn được giải đáp rõ ràng, đúng pháp luật. Nhưng có việc người dân muốn biết lại không được biết; có những quyền lợi lẽ ra họ được hưởng thì lại bị ảnh hưởng, bị thiệt thòi. Nguyên do có thể do một số cán bộ, cơ quan có trách nhiệm lơ là, chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật và cũng không loại trừ họ coi trọng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hơn lợi ích của người dân. Đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai.

Đất đai luôn là vấn đề “nóng”, chiếm tỷ lệ khiếu kiện nhiều nhất, hơn 70% trong tổng số đơn thư khiếu kiện của người dân nhiều năm qua. Điều đó gây mất niềm tin của người dân vào cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương. Nó cũng lý giải vì sao trong số 481 vụ việc đã được giải quyết vừa qua vẫn còn 43 vụ việc công dân tiếp tục đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước để khiếu nại; 53 vụ việc công dân tiếp tục gửi đơn đến Thanh tra Chính phủ.

Khiếu nại, tố cáo luôn là vấn đề phức tạp và khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai, khó có thể làm thỏa mãn ngay nguyện vọng của mỗi bên. Nhưng vấn đề này sẽ được hạn chế, sẽ dừng ở mức độ không phức tạp, kéo dài, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và góp phần làm yên lòng dân khi nó được giải quyết ngay từ cơ sở. Khiếu nại, tố cáo sẽ được hạn chế khi những người làm công tác tiếp công dân thực hiện đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật; khi cán bộ xác định đúng chức trách, nhiệm vụ là “công bộc” của dân; khi người đứng đầu, người có thẩm quyền biết lắng nghe, không ngại né tránh, đối thoại trực tiếp với dân và công khai minh bạch để hóa giải khúc mắc của dân.

Khi đã “thấu lý đạt tình”, người dân mới thực sự có niềm tin vào công lý, mới không còn những vụ khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc như nhiều năm qua và các văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo mới đi vào cuộc sống./.