Truyền thông đang tràn ngập thông tin phản ánh tình trạng hàng ngày hàng triệu khách hàng là chủ thuê bao di động di động trả trước của các nhà mạng lớn như Vinaphone, MobiFone, Viettel phải xếp hàng chầu chực để được bổ sung thông tin xác lập chính chủ thuê bao, thậm chí kể cả khi các nhà mạng thông báo kéo dài thời hạn thêm nhiều ngày sau mốc 24/4/2018.

Đây có lẽ là hình ảnh trái khoáy nhất lâu nay trên thị trường - nơi mà khách hàng vẫn đang được tôn là "thượng đế".

chau_chuc_cho_nop_anh_cho_thue_bao_di_dong_cife.jpg
Khách hàng chờ bổ sung thông tin và ảnh chân dung cho thuê bao di động tại cửa hàng của Viettel (Ảnh: Vân Anh)

Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP thì từ ngày 24/4/2018, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.

Quy định này là đúng đắn với kỳ vọng mục đích khắc phục các kẽ hở pháp lý, tăng tính hiệu quả và khả thi trong công tác quản lý thông tin thuê bao. Nếu thực thi tốt, quy định này sẽ quyết định đến việc dẹp nạn sim rác và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, cách triển khai thực hiện còn nhiều bất cập gây khó cho người dân sử dụng dịch vụ liên quan.

Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã được ban hành từ cách đây 1 năm. Tức là các nhà mạng và cơ quan quản lý nhà nước liên quan có 1 năm để chuẩn bị cho mốc 24/4/2018. Thế nhưng các nhà mạng lại chờ "nước đến chân mới nhảy", cận ngày 24/4/2018 mới rầm rộ kêu gọi khách hàng bổ sung thông tin. Điều này khiến khách hàng có cảm giác như đang bị "hù dọa" nếu không khẩn trương bổ sung thông tin cho thuê bao thì có thể sẽ bị cắt liên lạc. 

Chính cái sự không rõ ràng ấy mà hàng triệu khách hàng, vốn là "thượng đế" bỗng chốc, vì lo lắng bị gián đoạn liên lạc, mà chấp nhận cực chẳng đã phải bỏ công bỏ việc đến các điểm giao dịch của các nhà mạng để chen chúc xếp hàng và chầu chực chờ bổ sung thông tin, nhất là những ngày cận kề mốc ngày 24/4, vì kênh bổ sung thông tin qua mạng internet (không cần đến quầy giao dịch) cũng liên tục nghẽn mạng. 

Rồi thì cũng sát mốc ngày 24/4, cả nhà mạng và cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông mới thông báo sẽ chưa khóa thuê bao ngay như quy định vì sẽ kéo dài thời gian bổ sung thông tin đến tận tháng 5/2018, thậm chí còn động viên khách hàng "yên tâm" và "lúc nào rảnh ra đăng ký cũng được".

Cách làm này càng thể hiện rõ sự thiếu nghiêm túc của các nhà mạng và cả cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi chính sách quản lý thuê bao. Vì rằng, quy định của Nghị định 49/2017 không phải là cơ sở pháp lý đầu tiên được cơ quan có thẩm quyền đưa ra nhằm quản lý thông tin thuê bao. Trước đó, từ năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư 04/2012/BTTTT có nội dung về việc quản lý thuê bao trả trước. Trong thông tư đó đã quy định muốn sử dụng thuê bao, khách hàng phải đăng ký thông tin cá nhân bằng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước hoặc hộ chiếu; mỗi người chỉ được đăng ký tối đa 3 sim. 

Thông tư 04/2012/BTTTT đã được kỳ vọng sẽ dẹp loạn sim rác và quản lý thông tin thuê bao di động trả trước tốt hơn. Nhưng thực tế, hàng triệu khách hàng liên lục phải than vãn và gặp phiền phức vì tình trạng tin nhắn rác, rao vặt vẫn tới tấp được gửi đến thuê bao của họ. Sự phiền toái của nạn sim rác, tin nhắn rác đến mức nhiều Đại biểu Quốc hội cũng không ít lần phải than tại Nghị trường Quốc hội. 

Như vậy, cách triển khai thực hiện quy định về quản lý thông tin thuê bao di động theo Nghị định 49/2017 lần này lại thêm một lần nữa cho thấy chưa đủ cơ sở tạo niềm tin với khách hàng. Có lẽ không ai dám chắc rằng, sau này các chủ thuê bao di động sẽ không bị sim rác làm phiền, thậm chí họ có cơ sở để hoài nghi, lo lắng về tính bảo mật thông tin, hình ảnh của họ khi cung cấp cho nhà mạng.

Sự nhùng nhằng trong triển khai các quyết định quản lý thuê bao di động của các nhà mạng lâu nay luôn đẩy khó cho khách hàng, gây phiền hà cho nhân dân và xã hội. Và có dấu hiệu cố tình chây ỳ thực thi để trục lợi. 

Phát biểu trên báo giới gần đây, chính đại diện Cục Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận có tình trạng vì lợi nhuận, doanh thu và cũng vì tổ chức thực thi chưa thật nghiêm nên một số nhân viên của các doanh nghiệp và đặc biệt các đại lý phân phối sim thẻ, điểm đăng ký thông tin thuê bao đã giả mạo thông tin thuê bao, lấy chứng minh nhân dân của người này gắn vào số thuê bao bán cho người khác mà không cần có người thực đến đăng ký sử dụng dịch vụ. Thậm chí, đại lý, nhân viên nhà mạng còn sử dụng phần mềm, công nghệ tạo ra chứng minh nhân dân giả, để hoà mạng các sim di động. 

Đằng sau con số hơn 30 triệu thuê bao di động có thông tin cá nhân không chính xác, hàng triệu khách hàng vô tình là chủ sim "ma", như Cục Viễn thông thừa nhận, hẳn là món lợi nhuận khổng lồ đem đến cho các nhà mạng và đối tác phân phối sim. 

Như thế, sự trái khoáy trong cách hành xử giữa các nhà mạng và "thượng đế" của họ một phần do "nhờn luật" và khách hàng bị "cầm dao đằng lưỡi". Khi nhà mạng đã trót ung dung xả bán cho kích hoạch sim bất chấp quy định rồi, giờ thấy sai thì phải sửa sai, thấy nguy cơ bị xử phạt thì họ phải tìm đến khách hàng để cầu cạnh, nhờ "thượng đế" bổ sung hoàn thiện thông tin giúp, chứ không thể ngồi nhà chờ rồi loan tin như kiểu hăm dọa để các "thượng đế" cực chẳng đã vì sợ gián đoạn liên lạc và các hệ lụy phát sinh mà phải rồng rắn bỏ công sức, mất thời giờ để đi phục vụ lại nhà mạng./.