Ngày 17/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với một số Bộ trưởng về công tác điều hành ngành, lĩnh vực mà họ phụ trách. Dự kiến, nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế -xã hội, vấn đề dân sinh sẽ được các Bộ trưởng trả lời công khai để cử tri theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, chất vấn không phải là việc hỏi cho biết; trả lời chất vấn không phải để cho có, mà là một hoạt động thể hiện tinh thần dân chủ, xác định tinh thần trách nhiệm của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Mấy năm gần đây, chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành hoạt động thường xuyên, là một trong các hình thức giám sát có hiệu quả của Quốc hội đối với các hoạt động của Chính phủ. Hoạt động này ngày càng được nâng cao về chất lượng nhờ sự nỗ lực từ hai phía: Người chất vấn đa phần đã hỏi ngắn gọn hơn, sát việc hơn; người trả lời chất vấn trả lời cũng ngắn gọn, có trọng tâm, đúng vấn đề hơn.
Chất vấn không phải chỉ hỏi để biết thông tin, cũng không chỉ là giải đáp thắc mắc. Mục đích cuối cùng của chất vấn là để xác nhận trách nhiệm cá nhân, nhận diện thực trạng tồn tại, tìm giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy sự phát triển. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri sẽ đánh giá được sự sâu sát, quán xuyến của một Bộ trưởng đối với việc quản lý, điều hành ngành, lĩnh vực mình phụ trách; cử tri cũng đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng trên cương vị người đứng đầu. Một Bộ trưởng giỏi, sát người sát việc sẽ không lý gì lại trả lời quanh co, lại càng không thể lạc vấn đề. Người làm việc không hiệu quả, chỉ lo cho tròn mình, thì dù có lợi khẩu đến mấy cũng không thể nào làm vừa lòng đại biểu và cử tri, dẫu chỉ bằng lời nói. Bởi dân là tai, là mắt. Không gì có thể che mắt được dân.
Nhìn kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà Quốc hội vừa tiến hành hôm 15/11, cử tri cả nước thấy được sự đánh giá khách quan, chính xác của các đại biểu về mức độ tín nhiệm, hay nói đúng hơn là mức độ hoàn thành nhiệm vụ của 50 chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cuộc lấy phiếu đã ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của Chính phủ khi có tới 21 trên tổng số 30 thành viên Chính phủ có số phiếu tín nhiệm cao tăng nhiều so với lần lấy phiếu trước. Đó là sự phát triển kinh tế - xã hội đã đi đúng hướng; Tình trạng suy thoái kinh tế đã được chặn lại và phục hồi nhanh; an sinh xã hội đảm bảo; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Người dân sẽ thêm một lần nữa kiểm chứng lại hiệu quả thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng về vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tiến độ nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A; giải pháp giảm tai nạn giao thông, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện… khi ông là một trong những thành viên chính phủ có số phiếu tín nhiệm cao tăng đến 94% so với lần lấy phiếu trước.
Với những Bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp thì đây là dịp để mỗi người tự đánh giá lại hiệu quả công tác của mình để tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Cử tri mong muốn những vấn đề về chất lượng công vụ, sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, tình trạng nhiều cấp phó ở các cơ quan trung ương, năng suất lao động thấp…; rồi tình trạng quyền lợi của người lao động bị vi phạm, công tác quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam; thực trạng thất nghiệm, giải quyết việc làm, chất lượng lao động xuất khẩu thấp… sẽ được người đứng đầu Bộ Nội vụ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Nếu chất vấn là quá trình nhận thấy, nhận biết thì hậu quả chất vấn phải là hành động và chuyển động thực sự. Kết quả của chất vấn chỉ được thể hiện ở những việc làm, giải pháp khả thi mà Bộ trưởng, trưởng ngành đó thi hành trong thực tế. Vì vậy, việc giám sát hậu chất vấn của đại biểu và các cơ quan của Quốc hội là hết sức cần thiết, để chất vấn và trả lời chất vấn thực sự là hoạt động có ý nghĩa trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao trong bộ máy Nhà nước./.