Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, nhiều khó khăn nảy sinh khiến sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đời sống người lao động gặp khó khăn kép do thu nhập sụt giảm, giá cả một số loại hàng hóa thiết yếu vẫn tăng cao. Người nghèo vì thế sẽ càng khó khăn. Những vùng tập trung nhiều dân nghèo lại càng cần được quan tâm nhiều hơn. Chính vì thế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi các doanh nghiệp, các Bộ, ngành cần đẩy mạnh các hoạt động vì an sinh xã hội, với thông điệp “Càng khó khăn càng phải tăng cường an sinh xã hội”.

Tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm xây dựng và trưởng thành của Ngân hàng Chính sách xã hội vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt biểu dương những kết quả đạt được sau 10 năm nỗ lực làm công tác an sinh xã hội của định chế tài chính không vì mục tiêu lợi nhuận này. 

Trong 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho gần 22 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách  được vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi, góp phần giúp gần 3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn  4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tài trợ vốn cho dự án tuyến dân cư vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng hơn 480.000 căn nhà tình nghĩa cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; cho con em các gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài…

nguoi-lao-dong.jpg
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, người lao động càng cần được quan tâm hơn đến các chính sách bảo hiểm, an sinh xã hội (Ảnh: báo Đà Nẵng)

Vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo đã đến với 100% số xã, phường, thị trấn trong cả nước. Chương trình cho vay hộ nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm xuống còn 11,8% theo chuẩn mới. Đây chỉ là một trong những hiệu quả của chương trình triển khai công tác an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm.

Càng trong thời kỳ cam go của hoạt động kinh tế, đời sống người lao động đang gặp những khó khăn kép do thu nhập giảm sút, giá cả một số mặt hàng thiết yếu tiếp tục tăng cao, càng cần những nỗ lực trong công tác an sinh xã hội của các cấp, các ngành. Trong đó, những doanh nghiệp lớn, dẫn đầu và là trụ cột của nền kinh tế càng cần ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm xã hội của mình, dù đang gặp không ít khó khăn.

Thực tế đã chứng minh, sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp trong những thời điểm kinh tế khó khăn sẽ góp phần duy trì niềm tin của người dân, sự chia sẻ và trách nhiệm của người dân trong việc tham gia triển khai các chương trình an sinh xã hội. Chính vì thế, những năm qua, toàn ngành Ngân hàng đã đóng góp tài trợ an sinh xã hội cho 63 tỉnh, thành trong cả nước với số tiền là 4.864 tỷ đồng. Mặc dù có lúc lợi nhuận của các tổ chức tín dụng giảm sút nhiều nhưng riêng năm 2012, hệ thống ngân hàng đã dành 1.282 tỷ đồng tài trợ công tác an sinh xã hội. Mới đây, các ngân hàng thương mại đã đóng góp hơn 457 tỷ đồng giúp đỡ cải thiện đời sống của đồng bào Tây Bắc, dự kiến tài trợ gần 103 tỷ đồng cho các chương trình xóa nhà tạm, giáo dục, y tế, hỗ trợ người nghèo của các tỉnh vùng Tây Nguyên, số tiền này chiếm 83,6% tổng tài trợ an sinh xã hội từ các nguồn cho 2 khu vực này dự kiến được thực hiện trong năm 2013.

Các ngành khác như: dầu khí, công nghiệp xi măng, xây dựng, viễn thông… cũng dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ công tác an sinh xã hội, trợ giúp người nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người dân ở những vùng còn nhiều khó khăn. Đây chính là những hoạt động thể hiện tính ưu việt của xã hội ta, đang rất cần được tiếp tục phát huy trong đời sống hiện đại.

Chính vì thế, trong sự ghi nhận những nỗ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác an sinh xã hội, Thủ tướng chính phủ đã truyền đi một thông điệp sâu sắc, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay, với quan điểm “Càng khó khăn càng phải tăng cường công tác an sinh xã hội ”,thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với người dân, nhất là người dân sống ở những vùng sâu vùng xa, vùng nghèo đói. Bởi lẽ, đạo lý dân tộc “một miếng khi đói bằng một gói khi no” vẫn là phương châm xử thế của những tấm lòng thiện nguyện, và vẫn đang tiếp tục tỏa sáng. Đây sẽ là kim chỉ nam cho các cấp, các bộ, ngành, doanh nghiệp để nâng cao ý thức trách nhiệm, tiếp tục thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí nhằm đóng góp được nhiều hơn nữa cho công tác an sinh xã hội, giúp người lao động và người nghèo ổn định và cải thiện cuộc sống./.