Chủ trương cấm thi vào lớp 6 dường như không có giá trị gì trước hình ảnh cuối tuần qua hàng ngàn học sinh lớp 5 tại TP.HCM làm bài thi khảo sát năng lực tiếng Anh vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Mà theo các chuyên gia, từ nội dung bài khảo sát đến cách tổ chức, không khác gì một kỳ thi tuyển.

Vì vậy cái gốc của vấn đề không phải ở chỗ cấm thi.

khao_sat_tieng_anh_vao_truo_uvsl.jpg
Hội đồng thi Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), nơi diễn ra “khảo sát” vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch/Thanh Niên

Ở quy mô nhỏ hơn nhưng với nội dung mà thí sinh tiết lộ và hình thức tổ chức, bài khảo sát năng lực tiếng Anh của Trường Trần Đại Nghĩa không khác lắm với cách thức mà ĐH Quốc gia Hà Nội đang làm để tuyển sinh. Đó là chưa kể thí sinh thi vào Trường Trần Đại Nghĩa phải làm bài hoàn toàn bằng tiếng Anh. 

Trước đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định xét tuyển theo phương thức này sẽ không còn luyện thi. Đây chỉ là mong muốn còn thực tế ai cũng biết hiện tượng ôn luyện chỉ là chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Học sinh vẫn “tích cực” ôn luyện, giáo viên tiếng Anh thì lịch dạy ôn không còn chỗ trống.

Bộ GD-ĐT “nhắc lại” chủ trương cấm thi tuyển vào lớp 6 mục đích là để các trường thực hiện đúng luật: không có trường chuyên bậc THCS, nhằm tránh tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan ở bậc tiểu học, không gây áp lực cho học sinh. Nhưng điều này có thực hiện được không với hình thức xét tuyển như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đang làm? Đây chính là lý do nhiều người lo ngại nếu năm nay trường này được phép làm thì năm sau các trường khác sẽ thực hiện như vậy. 

Thế thì một chủ trương để các trường thực hiện đúng quy định, theo đúng luật Giáo dục lại không có giá trị, có nguy cơ sụp đổ ngay khi mới bắt đầu thực hiện như vậy được sao?

Trong khi đó, ở Hà Nội, từ Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đến các trường mọi năm thu hút sự quan tâm của phụ huynh, cũng nóng không kém với việc làm sao để tuyển được những học sinh giỏi trong vô số học sinh có điểm cao chót vót và nhiều thành tích nổi bật.

Theo hướng này các trường ở Hà Nội và một số địa phương cũng đối diện với nhiều khó khăn, chẳng hạn điểm và thành tích thật của các học sinh. Lo hơn nữa là nếu vẫn giữ cách xét tuyển này, các năm sau sẽ càng khó tìm được “người thật, việc thật” khi chuyện làm đẹp học bạ hay chạy điểm, thành tích các kỳ thi không quá khó. Nếu như vậy, chủ trương cấm thi vào lớp 6 có giá trị gì không?

Như thế vấn đề không phải ở chỗ cấm thi hay không.

Nếu xem chủ trương không có trường chuyên ở bậc THCS là đúng và đến giờ luật Giáo dục đã quy định như vậy thì hãy trả bậc học này ở các trường như Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), Hà Nội - Amsterdam trở về là một trường bình thường, như năm nay TP.Đà Nẵng đã thực hiện với Trường Nguyễn Khuyến. Sự tồn tại bậc học THCS ở hai trường trên rõ ràng là sự “núp bóng” trong trường chuyên THPT. Với những trường tư hay trường được gọi là chất lượng cao (khác với trường chuyên do nhà nước đầu tư đào tạo nhân tài), thu học phí cao theo thỏa thuận của phụ huynh nhằm đáp ứng điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, thì họ được phép lựa chọn hình thức tuyển sinh cho phù hợp.

Làm như thế vừa không nhập nhằng công - tư vừa tránh tình trạng một chủ trương mà ai thực hiện sao cũng được. Có thể nào chấp nhận trước chủ trương cấm thi tuyển vào lớp 6 mà TP.HCM thực hiện kỳ khảo sát không khác gì thi tuyển; Hà Nội xét tuyển với các điều kiện về điểm số, thành tích; còn Đà Nẵng thì chuyển thành trường bình thường tuyển học sinh theo địa bàn?... Chẳng lẽ Bộ GD-ĐT lúng túng?./.